Ảnh chỉ có tính minh hoạ (Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn)
Theo Công văn này, trong thời gian vừa qua, thiên tai trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cùng với tác động chưa bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khai thác nguồn nước thiếu bền vững trên lưu vực sông Mê Kông, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rất nghiêm trọng; đồng thời, với đặc điểm địa hình, hệ thống cơ sở hạ tầng dễ bị tổn thương, quy mô xã hội, dân số ngày càng lớn, nguy cơ các trận lũ lớn, bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Vì vậy, theo dự báo, lũ từ thượng nguồn về sớm và đang lên nhanh, có thể đạt mức báo động 2 và ở mức trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt đề phòng có lũ lớn xảy ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.
Khẩn trương triển khai xử lý cấp bách các sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Nghị quyết 120/NQ-CP) và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị về giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 26/7/2018 ở thành phố Cần Thơ. Chỉ đạo việc kiểm tra thường xuyên những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn để tổ chức cắm biển cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn.
Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018; kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tại địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên; xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; tăng cường công tác trực ban phòng, chống thiên tai; củng cố, nâng cấp Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện.
Xây dựng, củng cố và ban hành quy chế tổ chức, hoạt động các tổ đội xung kích phòng, chống thiên tai với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt nhằm nâng cao năng lực ứng phó tại chỗ ngay từ giờ đầu khi có tình huống thiên tai.
Rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro (trong đó có phương án ứng phó với lũ lớn) bao gồm phương án bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khu vực có nguy cơ thiên tai,… theo hướng dẫn tại Công văn số 47/TWPCTT ngày 19/5/2015 của Ban Chỉ đạo, Công văn số 5080/BNN-TCTL ngày 20/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh; tổ chức các điểm trông giữ trẻ em tập trung, các điểm đưa đón học sinh đi học trong mùa lũ, bão; Xây dựng phương án di dời dân vào các khu vực cụm tuyến dân cư tập trung khi có lũ lên cao; triển khai lắp đặt, tăng dày trạm cảnh báo sét trên địa bàn.
Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển, nhất là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn và đê biển Tây.
Chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa hè thu, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn cho diện tích lúa thu đông và các cây trồng khác. Chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thuỷ sản.
Chuẩn bị phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường công tác truyền thông tới tận thôn, ấp và người dân. Kiểm soát tàu thuyền để hướng dẫn tránh, trú, neo đậu khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Rà soát phương án chi tiết di dời dân cư vùng có nguy cơ ảnh hưởng của gió bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng.
Chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng chống thiên tai trên truyền hình, phát thanh, truyền thanh xã, ấp, nhất là kỹ năng phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, dông, lốc, sét,…
Đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để tổng hợp.