|
Phụ nữ DTTS gia công sản phẩm lục bình tại một hợp tác xã trên địa bàn TP Cần Thơ (Ảnh: Thúy An) |
Hiện nay, TP Cần Thơ có 19 DTTS, với 36.795 người, chiếm 2,9% dân số toàn thành phố. Giai đoạn 2019 – 2024, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc. Thành phố rất quan tâm thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương và địa phương chăm lo phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS. Đồng bào các dân tộc được tập huấn hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ đó không ngừng gia tăng về số lượng, chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng về đường, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt đáp ứng tốt nhu cầu của đồng bào.
Nhờ đó, vùng DTTS của TP Cần Thơ đã có bước chuyển biến tích cực, hòa nhịp cùng sự phát triển của thành phố. Đến nay, 100% ấp, khu vực có đường cứng hóa đến trung tâm xã; 83/83 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 100% hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 99%. Hiện nay, thành phố có 6 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS không còn địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Công tác giảm nghèo tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thực hiện, đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS; qua đó, hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từng năm. Cụ thể, nếu đầu năm 2020, thành phố có 186 hộ DTTS nghèo, chiếm tỷ lệ 1,90%/tổng số hộ DTTS, đến cuối năm 2020, thành phố giảm còn 80 hộ DTTS nghèo, chiếm tỷ lệ 0,91%; năm 2021 còn 48 hộ DTTS nghèo, chiếm tỷ lệ 0,53%;... Đến nay thành phố còn 54 hộ DTTS nghèo, chiếm tỷ lệ 0,54%.
Song song với phong trào phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố đã tích cực hưởng ứng các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Các phong trào học tập nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường... trong đồng bào các DTTS được quan tâm, thực hiện tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi có đông đồng bào các DTTS được giữ vững.
|
Vùng DTTS của TP Cần Thơ đã có bước chuyển biến tích cực, hòa nhịp cùng sự phát triển của thành phố. (Ảnh: Huy Phúc)
|
Số lượng người DTTS tham gia các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội; đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức là người DTTS ngày càng tăng. Các phong trào thi đua yêu nước được đồng bào các TDTS tích cực tham gia; có nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng...
Giai đoạn 2024-2029 và những năm tiếp theo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên thành phố Cần Thơ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc. Thành phố tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn. Thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số một cách toàn diện. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, cho vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, trình độ giữa các dân tộc.
Thành phố phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; 100% xã, ấp có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và được nghe đài phát thanh, xem truyền hình, tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; 60% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề…