Cần tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông

Thứ tư, 30/08/2017 00:58
(ĐCSVN) - 8 tháng đầu năm 2017, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và các địa phương, nhìn chung tình hình tai nạn giao thông trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên QL6, đoạn qua huyện
Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Ảnh TV

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 8 tháng đầu năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/8/2017), trên cả nước đã xảy ra 12.775 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.422 người, bị thương 10.534 người. Bình quân mỗi ngày, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 người, và làm gần 40 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, số vụ giảm 859 vụ (6,3%), số người chết giảm 318 người (5,54%), số người bị thương giảm 1.266 người (10,73%).

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong tháng 8, toàn quốc đã xảy ra 1.603 vụ, làm chết 661 người và làm bị thương 1.298 người. Trong đó, tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 747 vụ, làm chết 661 người, bị thương 353 người. Cũng trong tháng 8/2017 đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 14 người chết, 20 người bị thương, trong đó đều là tai nạn giao thông đường bộ như tại Bình Thuận ngày 19/7 xảy ra vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A giữa 2 xe khách, làm 3 người chết, 16 người bị thương; tai nạn giao thông trên tuyến tránh Quốc lộ 1A giữa xe khách giường nằm và xe đầu kéo xảy ra ngày 16/8 làm chết 5 người, bị thương 2 người…

Có thể thấy, tuy tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương) song tính chất của tình hình tai nạn giao thông tại nhiều địa phương còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Các vụ tai nạn giao thông xảy ra không chỉ gây thiệt hại về người, phương tiện mà còn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng áp lực đối với các cơ sở y tế; ảnh hưởng đến nhân lực lao động cũng như tâm lý xã hội. Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, đa phần các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đều liên quan đến xe ôtô kinh doanh vận tải mà nhất là xe khách, một phần liên quan đến xe máy; các hành vi trước khi xảy ra tai nạn cơ bản là chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt xe sai quy định, kỹ năng điều khiển phương tiện còn hạn chế. Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe môtô, xe máy chiếm 65%, xe ôtô chiếm 30% số vụ tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, việc gia tăng lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cũng được coi là một nguyên nhân làm cho tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ. Từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã đăng ký mới 227.898 xe ôtô, 1.985.299 xe môtô và 98.586 xe máy điện; nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 3.261.425 xe ôtô, 49.117.227 xe môtô và 599.986 xe máy điện...

Tăng cường các giải pháp đồng bộ

Thực tế thời gian qua cho thấy, để giảm thiểu tai nạn giao thông, vấn đề cơ bản nhất đặt ra vẫn là cần phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để họ tự thấy được trách nhiệm của mình trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần bảo vệ cho chính mình và cho cả những người khác.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những tháng cuối năm thường là thời điểm có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến tình trạng tai nạn giao thông. Do đó, các cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Cụ thể, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tiếp tục giảm tai nạn, ùn tắc giao thông trong tháng 9 và thời gian còn lại của năm 2017, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quản lý chất lượng và an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải hành khách; giảm thiểu tình trạng ùn tắc, chậm, huỷ chuyến; kiểm soát và xử lý nghiêm tăng giá vé trái quy định, chở quá số người quy định... Các đơn vị và địa phương tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, kịp thời giải quyết các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt là tuyến cửa ngõ ra vào Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng trong tháng 9 là “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”, các cơ sở giáo dục trong cả nước cần đẩy mạnh giáo dục kiến thức, quy định về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo việc ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông giữa nhà trường, gia đình và học sinh; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học...

Qua đánh giá, việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý cũng góp phần giúp giảm cả 3 tiêu chí liên quan đến tai nạn giao thông. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản hơn 2,77 triệu trường hợp vi phạm giao thông đường bộ; phạt tiền 1.731 tỷ đồng; tạm giữ 27.143 xe ôtô và 389.670 môtô; tước 250.653 giấy phép lái xe. Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định; lập phương án phòng chống, ngăn chặn tình trạng đua xe máy trái phép...

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các lực lượng và các địa phương trong cả nước; qua đó từng bước hạn chế tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho mỗi người và toàn xã hội./.

Lê Trọng Việt (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực