Cảnh báo sớm phải đi liền với hành động sớm

Thứ sáu, 06/09/2024 22:38
(ĐCSVN) - Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, phải có sự phối hợp đồng bộ. Các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn rất quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định tất cả. Khi có thông tin cảnh báo sớm, chúng ta phải có hành động sớm.

Trong thời gian gần đây, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khi các đợt mưa lớn diễn ra tại nhiều nơi cùng với các loại hình thiên tai sạt lở đất, lũ quét đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương. Nhằm nắm bắt các thông tin dự báo thiên tai trong các tháng cuối năm, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: B.T) 

Phóng viên (PV): Thưa ông, mưa lũ trong thời gian vừa qua diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh Bắc bộ. Xin ông cho biết tình hình mưa lớn ghi nhận tại các địa phương trong thời gian qua và dự báo tình hình mưa trong các tháng cuối năm? Những tháng nào là trọng tâm mưa lớn mà chúng ta cần phải chú ý?

Ông Mai Văn Khiêm: Ở Việt Nam chúng ta vào giai đoạn này đang là thời kỳ mùa mưa tại các tỉnh Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Do vậy, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 và đến giữa tháng 9, ở các tỉnh thuộc các khu vực nêu trên thường sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng, kèm theo đó là các hiện tượng mưa rào và dông. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến các đợt mưa diện rộng đã diễn ra tương đối phức tạp. Cụ thể, trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, ở khu vực Bắc Bộ đã xảy ra rất nhiều các đợt mưa lớn diện rộng với 6 đợt mưa lớn trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua.

Theo dữ liệu quan trắc và so sánh với cùng kỳ trung bình nhiều năm, chúng tôi đánh giá trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, ở hầu khắp các tỉnh khu vực Bắc Bộ, lượng mưa đã vượt cao hơn so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Nghĩa là, lượng mưa trung bình của tháng 6 và tháng 7 ở mức cao hơn từ 20-60%, đặc biệt cao tại các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Quảng Ninh, TP. Hà Nội, với lượng mưa ghi nhận rất lớn. Một số điểm lượng mưa trong tháng 6 và tháng 7 ghi nhận từ 800-900mm, có nơi lên trên 1.000mm như Bắc Quang, Hà Giang.

Có một điều cho thấy rằng, trong các đợt mưa của tháng 6 và tháng 7 vừa qua, diễn biến mưa tương đối phức tạp, thể hiện lượng mưa thường tập trung nhiều vào tối, đêm và sáng, đồng thời, lượng mưa xuất hiện trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 6 đến 12 tiếng. Nghĩa là các đợt mưa lớn diễn ra với cường suất cao trong phạm vi hẹp, trong phạm vi một tỉnh hoặc thành phố gây ra tình trạng lũ, ngập úng hay lũ quét và sạt lở đất.

Ở đây tôi lấy ví dụ như một số điểm trạm mưa lớn, như ở trạm Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang), lượng mưa trong vòng 12 giờ đồng hồ ghi nhận từ 500-700mm. Lượng mưa này so với số liệu quan trắc thực tế đã phá kỷ lục quan trắc trước đây.

Hay tại khu vực Xuân Mai (Chương Mỹ, TP. Hà Nội), lượng mưa trong vòng 1 ngày đã lên tới 460mm - lượng mưa rất lớn so với số liệu quan trắc từ trước tới nay.

Hoặc tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, ngày 30/7, lượng mưa ghi nhận lên đến 364mm. Với lượng mưa lên đến vài trăm mm xảy ra trong thời gian rất ngắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động xã hội, dẫn đến tình trạng ngập úng, ngập lụt đô thị hoặc các hệ quả thiên tai, tai biến địa chất như lũ quét, sạt lở đất.

Về dự báo mưa lớn trong các tháng cuối năm, hiện nay, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn mùa mưa lũ, nên dự báo tình hình mưa và lũ vẫn có khả năng diễn biến phức tạp.

Trước mắt thì từ nay cho đến hết tháng 9, khu vực các tỉnh Bắc Bộ vẫn có khả năng xuất hiện một vài đợt mưa lớn diện rộng, xen kẽ là các đợt mưa rào và dông, vào tối và đêm. Tương tự như vậy ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ cũng sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn, như mưa rào về đêm. Trong khoảng thời gian mưa như vậy có khả năng gây ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất.

Còn xa hơn, từ tháng 9 đến tháng 11/2024, theo nhận định, đánh giá của chúng tôi, hiện nay hiện tượng La Nina nhiều khả năng sẽ xuất hiện từ các tháng mùa thu 2024.  

Điểm đáng lưu ý, La Nina xuất hiện thường gắn với hiện tượng mưa nhiều hơn so với mức bình thường. Trong khi đó, La Nina xuất hiện vào đúng mùa mưa khu vực Trung Trung bộ, do đó, với kịch bản xuất hiện La Nina như vậy, nhiều khả năng nguy cơ ở các tỉnh khu vực Trung Trung bộ, trong mùa mưa lũ năm nay, tập trung vào các tháng 9,10,11, lượng mưa sẽ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Thực tế đối với các năm có tác động của hiện tượng La Nina trước đây cũng thường xuất hiện các đợt mưa lớn dồn dập. Gần đây nhất, chúng ta chứng kiến năm 2020, dưới tác động của hiện tượng La Nina, nhiều tỉnh khu vực miền Trung trong khoảng tháng 10,11 đã trải qua các đợt tác động của mưa lớn diện rộng, kèm với đó là lũ, ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo ông Mai Văn Khiêm, dự báo sạt lở đất vẫn là một bài toán khó, những cảnh báo sạt lở đất mới chỉ dừng lại ở trên một phạm vi khu vực rộng, chưa thể cảnh báo cụ thể đến từng vị trí, từng khu vực xảy ra. (Ảnh: B.T) 

PV: Như chúng ta đã biết, sạt lở đất - loại hình thiên tai rất nguy hiểm xảy ra thường xuyên tại nhiều địa phương phía Bắc trong thời gian gần đây, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Xin ông cho biết, công tác dự báo, cảnh báo về loại hình thiên tai này đã được chúng ta triển khai như thế nào để đảm bảo tính dự báo chính xác và kịp thời?

Ông Mai Văn Khiêm: Chúng ta đều biết dự báo sạt lở đất là một bài toán rất khó. Đến thời điểm hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới, bài toán về dự báo sạt lở đất vẫn rất khó. Chúng ta mới dừng ở mức đưa ra cảnh báo nguy cơ có khả năng xuất hiện sạt lở đất trong bối cảnh gắn liền với đợt mưa lớn diện rộng.

Dự báo liên quan đến sạt lở đất khó bởi sạt lở đất không chỉ phụ thuộc vào yếu tố mưa. Chúng ta không phủ định rằng lượng mưa là một yếu tố kích hoạt sạt lở đất. Khi mưa lớn diễn ra, đặc biệt mưa với cường suất lớn, dồn dập có khả năng phá vỡ cấu trúc, tính chất đất của các khu vực, dẫn đến sạt lở.

Tuy nhiên, cùng với đó phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác như là độ dốc, thảm phủ thực vật, tính chất kết dính của các loại đất. Thực tế, các đợt sạt lở đất vừa qua ở Việt Nam, chúng ta thấy tác động của mưa diễn ra không giống nhau. Có nơi khi lượng mưa lên đến 100-200mm có khả năng kích hoạt các hiện tượng sạt lở đất, nhưng có vụ sạt lở đất xảy ra khi lượng mưa tích lũy trước đó và lượng mưa trong khoảng thời gian xảy ra rất ít, có khoảng 20-30mm.

Ngay đợt mưa vừa qua ở Bắc Bộ, chúng ta đã chứng kiến một số đợt sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong khoảng 24-48 giờ trước đó, hầu như không có mưa. Chính vì thế, bài toán về cảnh báo, dự báo sạt lở đất hiện nay tương đối khó khăn và chúng ta đang dừng ở mức cảnh báo rằng, trong đợt mưa lớn diện rộng sắp tới như vậy, căn cứ vào tính chất đất, độ ẩm đất và phân vùng nguy cơ sạt lở đất, chúng ta đưa ra cảnh báo các khu vực nào trong khoảng thời gian xuất hiện mưa lớn như vậy cần lưu ý nguy cơ có khả năng xuất hiện sạt lở đất ở mức khác nhau, từ trung bình cho đến cao, rất cao.

Người dân lưu ý phòng tránh, đặc biệt khi chúng ta có các hoạt động kinh tế - xã hội hoặc di chuyển trên các cung đường, trên các khu vực đó cần hết sức lưu ý.

Khoảng 3 năm trở lại đây, Việt Nam được Tổ chức Khí tượng Thế giới giao nhiệm vụ vận hành hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét và sạt lở đất cho các nước khu vực Đông Nam Á.

Trên cơ sở các dữ liệu mưa quan trắc, mưa dự báo, các phương pháp tính toán về độ ẩm đất, các nguy cơ kích hoạt xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẽ đưa ra cảnh báo định hướng những nơi, những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong vòng 3-6 giờ tới.

Tất nhiên, những cảnh báo này chỉ ở trên một phạm vi khu vực rộng, chưa thể cảnh báo cụ thể đến từng vị trí, từng khu vực xảy ra, ví dụ như phần sườn đồi này hay cung đường này,…

 

PV: Cùng với sạt lở đất thì lũ quét cũng là loại hình thiên tai rất nguy hiểm, mang tính bất ngờ, sức tàn phá khủng khiếp, mức độ thiệt hại gây ra rất lớn. Xin ông cho biết, tình hình lũ quét từ nay đến cuối năm được dự báo ra sao? Những địa phương nào sẽ phải lưu ý đến loại hình thiên tai này?

Ông Mai Văn Khiêm: Ở Việt Nam, ngoài vấn đề địa hình, địa lý tương đối phức tạp thì có các hệ thống sông, suối dày đặc. Thực tế đã xảy ra những thiên tai như lũ quét, sạt lở đất trong những năm vừa qua, gây ra những tác động, thiệt hại lớn đối với cộng đồng và người dân về con người và tài sản.

Ví dụ như các trận thiên tai năm 2020 xảy ra ở khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Nam hoặc các năm trước, những đợt lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn ở Thanh Hóa, Yên Bái, Lào Cai,…Những đợt xảy ra thiệt hại lớn như vậy đều xuất hiện kết hợp cả hiện tượng lũ quét và sạt lở đất.

Khác với sạt lở đất, khi xảy ra có các dòng mưa lớn, kích hoạt trên các sườn đồi, sườn núi thì lũ quét xảy ra ở các khu vực sông, suối vùng núi. Khi mưa lớn dồn dập xảy ra trong khoảng thời gian ngắn có khả năng xảy ra hiện tượng nước đổ dồn, dẫn đến hiện tượng lũ quét.

Sau những đợt xảy ra lũ quét gây thiệt hại lớn, chúng tôi đã thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá, cho thấy các đợt xảy ra lũ quét thường gắn liền với hiện tượng nghẽn dòng, nghĩa là đối với khu vực vùng núi có những con sông, suối tương đối phức tạp, sau mỗi đợt mưa lớn có khả năng xuất hiện các hiện tượng các vật thể như cây cối bị dồn lại tại những khu vực bị tắc nghẽn dẫn đến tình trạng chặn dòng và đến một mức ngưỡng nào đó bị phá vỡ gây ra lũ quét rất mạnh ở khu vực hạ lưu phía dưới.

Ở Việt Nam, hiện tượng lũ quét gắn liền sạt lở đất xảy ra khá nhiều ở các khu vực vùng núi trong những năm vừa qua, không chỉ ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ mà ngay cả các khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Dự báo trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục nhấn mạnh cần hết sức lưu ý đối với các khu vực vùng núi khu vực Bắc Bộ trong tháng 9 vẫn còn có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn và có thể gây ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất.

Xa hơn, chúng tôi muốn nhấn mạnh, dự báo vào cuối năm nay, hiện tượng La Nina có khả năng xuất hiện, quay trở lại, gắn với hình thái thời tiết mưa nhiều, lũ nhiều. Kinh nghiệm cho thấy trong các năm trước, do tác động của La Nina ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, đã xuất hiện những đợt mưa lớn dồn dập với lượng mưa lên đến vài trăm thậm chí đến hàng nghìn mm trong vòng 24 đến 48 giờ.

Với lượng mưa lớn, dồn dập như vậy, cần hết sức chú ý hiện tượng lũ quét ở các khu vực vùng núi, đặc biệt là phía Tây của các tỉnh Trung Trung Bộ trong các tháng 9, 10, 11 tới đây. Đây là điều cần hết sức phải lưu ý và chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và cập nhật thường xuyên các cảnh báo hàng ngày để giúp cộng đồng và người dân ứng phó. 

PV: Hiện nay, chúng ta đã bước vào mùa mưa bão. Xin ông cho biết, dự báo về tình hình áp thấp nhiệt đới, bão các tháng cuối năm?. Ông có đánh giá như thế nào về mức độ khốc liệt của tình hình mưa bão năm nay?

Ông Mai Văn Khiêm: Như chúng tôi đã đưa ra nhận định, năm nay là một năm có hình thái thời tiết tương đối đặc biệt. Từ đầu năm, chúng ta chịu tác động của hiện tượng El Nino, gắn liền với hiện tượng El Nino là nhiệt độ cao và nắng nóng nhiều. Thực tế, trong các tháng đầu năm, chúng ta đã trải qua các đợt nắng nóng diện rộng và khá khắc nghiệt ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Hiện nay, hiện tượng El Nino đã chuyển sang trạng thái trung tính, trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 10, khả năng hiện tượng Enso này sẽ chuyển sang pha lạnh, tức là hiện tượng La Nina. Với diễn biến Enso như vậy, chúng tôi nhận định từ nay cho đến cuối năm, tình hình thiên tai trên cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chúng tôi nhận định từ nay đến cuối năm, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 5-6 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục lưu ý trong mùa bão năm nay, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới khả năng sẽ tập trung nhiều vào nửa cuối năm, tức là trong khoảng tháng 9,10,11. Trong đó, khu vực Trung bộ và Nam Trung bộ cần hết sức lưu ý.

Đối với khu vực Trung bộ, tác động của thiên tai thường gắn liền với nhiều hình thái khác nhau, ngoài việc chịu tác động của mưa do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nhưng do yếu tố địa hình nên mưa thường rất lớn.

Thứ nữa, không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới, thường gây ra các hệ quả mưa, trong đó, có thể gây ra đợt mưa kéo dài nhiều ngày. Do đó, chúng tôi hết sức nhấn mạnh, với dự báo bão, áp thấp nhiệt đới nhiều cùng với các hình thái thiên tai khác như không khí lạnh, địa hình,…thì khu vực miền Trung, đặc biệt là Trung Trung bộ có nguy cơ cao xuất hiện mưa lớn, mưa lũ dồn dập.

  Tàu thuyền hoạt động trên biển cần hết sức lưu ý bởi bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành ngay trên khu vực Biển Đông. (Ảnh: Q.H)

Bên cạnh đó, các hoạt động nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền hoạt động trên biển cũng cần hết sức lưu ý. Trong năm nay, với tác động của hiện tượng La Nina, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Nếu như bão xuất hiện ở ngoài biển Đông, đi vào biển Đông rồi vào đất liền sẽ trải qua khoảng thời gian 3-5 ngày. Chúng ta có thời gian để theo dõi, chuẩn bị và ứng phó. Nhưng đối với cơn bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông thì thời gian hình thành và thời gian đi, tác động vào đất liền chỉ tồn tại trong khoảng 24 đến 48 giờ.

Chính vì thế, thời gian để chúng ta thực hiện các phương án ứng phó sẽ phải nhanh hơn, gấp hơn, cần phải chủ động hơn. Đây là điều cần hết sức lưu ý trong năm tác động của hiện tượng La Nina vào cuối năm nay.

Một điểm nữa, chúng tôi vẫn tiếp tục nhấn mạnh, đó là hiện tượng về mưa dông, mưa lớn cục bộ trong khoảng thời gian ngắn vẫn sẽ thường xuyên, gần như chắc chắn vẫn sẽ xảy ra và gây ra tình trạng như ngập úng đô thị.

Theo dự báo, hiện tượng về mưa dông, mưa lớn cục bộ trong khoảng thời gian ngắn vẫn sẽ thường xuyên xảy ra và gây ra tình trạng như ngập úng đô thị. (Ảnh: B.T)

PV: Thưa ông, việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai luôn là giải pháp trước tiên và rất quan trọng trong phòng chống thiên tai. Xin ông cho biết, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là dự báo về mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão, lũ quét, sạt lở đất,…Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia sẽ triển khai những giải pháp như thế nào?

Ông Mai Văn Khiêm: Để nâng cao chất lượng thông tin dự báo, cảnh báo, đáp ứng được các nhu cầu thực tế, thực tiễn của công tác phòng chống thiên tai, rõ ràng, trong ngành khí tượng thủy văn, chiến lược ngành khí tượng thủy văn đặt ra phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tiến hệ thống để làm sao ngày càng có thông tin đảm bảo độ tin cậy, kịp thời thông tin cho các cấp chính quyền cũng như người dân trong ứng phó với các thiên tai ngày càng khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong chiến lược ngành khí tượng thủy văn, trong đầu tư, để nâng cao chất lượng thông tin dự báo khí tượng thủy văn, chúng tôi tập trung vào một số hướng. Thứ nhất, tăng cường mạng lưới quan trắc. Bởi số liệu quan trắc là số liệu đầu vào rất quan trọng, đóng góp khoảng 35-36% về chất lượng thông tin dự báo.

Chính vì thế, mạng lưới quan trắc phải tiếp tục được đầu tư. Trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã đầu tư tương đối nhiều về mạng lưới quan trắc, giúp ngành khí tượng thủy văn nâng cao hiệu quả công tác dự báo.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khu vực không có số liệu quan trắc, ví dụ như khu vực vùng núi, vùng xa, mạng lưới quan trắc vẫn còn tương đối thưa, do đó chúng ta thiếu thông tin cho các khu vực này.

Điểm thứ hai, đó là trên các vùng biên giới cũng như khu vực Biển Đông, chúng ta có rất ít các trạm quan trắc bề mặt. Chúng ta đang cố gắng làm sao tăng cường thêm các trạm quan trắc từ ngoài Biển Đông.

Ngành khí tượng thủy văn cũng đặt ra mục tiêu trong quy hoạch phát triển mạng lưới trạm, sẽ phát triển một số các trạm quan trắc ra đa ở các khu vực vùng biên giới, hải đảo để chúng ta có thể quan trắc từ sớm từ xa các hệ thống thiên tai lớn, ví dụ như bão, áp thấp nhiệt đới, để đưa ra cảnh báo, dự báo tốt hơn.

Về mặt các công cụ, các phương pháp, các mô hình, hiện nay, nhờ phát triển khoa học công nghệ, không chỉ ở Việt Nam mà các cơ quan khí tượng thủy văn trên thế giới đang rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Do đó, hiện nay, một số nước, kể cả ở Việt Nam chúng ta cũng đang từng bước thử nghiệm, đưa vào ứng dụng AI để thực hiện việc không chỉ quan trắc giám sát theo dõi tình hình khí tượng thủy văn mà còn đưa ra được các dự báo, cảnh báo trong thời gian tới.

Ngoài hệ thống quan trắc, các công cụ thì con người, đào tạo nguồn nhân lực cũng đóng vai trò rất quan trọng. Đây là một trong ba trụ cột rất quan trọng cùng với quan trắc và các công cụ trong dự báo thiên tai.

Ngành khí tượng thủy văn đang rất quan tâm để đầu tư đào tạo đội ngũ, cán bộ kế cận để làm sao ngày càng tiếp cận, làm chủ được các công nghệ mới, công nghệ hiện đại để chúng ta thực hiện các phương án, tính toán, dự báo, cảnh báo đủ tín cậy, đủ chi tiết, đáp ứng được nhu cầu thực tế, thực tiễn.

Đối với một đơn vị trực tiếp được giao trách nhiệm trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thêm các phương án dự báo, cảnh báo cũng như tổ chức các kịch bản có khả năng xảy ra thiên tai để thực hiện cảnh báo sớm, dự báo sớm.

Không chỉ hiện nay mà những năm trước đây, cơ quan khí tượng thủy văn khi phát hiện dấu hiệu xuất hiện các đợt thiên tai lớn xảy ra, ví dụ mưa lớn diện rộng, bão, áp thấp nhiệt đới,…chúng tôi thường có các thông tin, cảnh báo sớm gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai cũng như các cơ quan truyền thông báo chí để thông tin sớm. Qua đó, giúp nâng cao tính chủ động trong phòng chống thiên tai.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng về công cụ, giải pháp công nghệ thì một trong những giải pháp mà chúng tôi đánh giá rất hiệu quả trong việc giảm thiểu được thiệt hại từ thiên tai, đó là tuyên truyền, truyền thông sớm về thiên tai.

Cảnh báo sớm phải đi liền với hành động sớm để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. (Ảnh minh họa: B.T) 

PV: Vậy để nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai, ông có những đề xuất gì không?

Ông Mai Văn Khiêm: Về vấn đề này, qua kinh nghiệm thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như phối hợp với các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trung ương và các địa phương, cá nhân tôi thấy, để giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai cần làm tốt công tác quản trị rủi ro thiên tai. Bởi bản chất, thiên tai khó đoán định và dự báo tuyệt đối chính xác, do đó, điều quan trọng nhất là chúng ta lường trước được rủi ro thấp nhất, cao nhất là bao nhiêu để chúng ta chủ động phương án ứng phó.

Về bài toán lũ quét và sạt lở đất, để ứng phó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có một sáng kiến, đó là lập đội xung kích ở các thôn, bản, xã để thực hiện các công tác phòng chống thiên tai, tôi cho rằng, đây là một giải pháp rất hay.

Theo tôi, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, phải có sự phối hợp đồng bộ. Các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn rất quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định tất cả. Khi có thông tin cảnh báo sớm, chúng ta phải có hành động sớm. Đây cũng là khẩu hiệu của phòng chống thiên tai hiện tại - cảnh báo sớm để hành động sớm. Nếu chúng ta có cảnh báo sớm rồi nhưng chúng ta không hành động sớm thì hiệu quả của phòng chống thiên tai sẽ không cao, có thể xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

Do đó, việc phối hợp đồng bộ giữa cơ quan khí tượng thủy văn với các cấp chính quyền và sự chủ động của người dân là điều vô cùng quan trọng. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của sự phối hợp này trong những đợt thiên tai xảy ra trước đây. Do đó, đây là giải pháp mà chúng ta cần tiếp tục vận dụng, áp dụng và thực hiện trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực