Chống dịch COVID-19 phải hành động nhanh và dứt khoát

Thứ hai, 30/03/2020 21:55
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, dịch bệnh còn kéo dài, chứ không thể trong vòng 1 đến 2 tháng. Vì thế, phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, không có thời gian để bàn bạc. Cần phải định hình lại nguồn lực, các vật tư y tế; khẩn trương tổ chức nhân lực có khả năng lấy mẫu xét nghiệm....

27 bệnh nhân COVID-19 được ra viện vào hôm nay (30/3)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra Công điện khẩn số 3 vì dịch COVID-19

Thêm 6 ca nhiễm COVID-19 mới, đều thuộc ổ dịch Công ty Trường Sinh

4 nguồn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 ở Bệnh viện Bạch Mai

Tặng quà, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19

Khẩn trương cách ly những người đã sử dụng dịch vụ căng tin Bệnh viện Bạch Mai

Thêm 5 ca mắc mới, trong đó 4 trường hợp liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai

Tập trung toàn lực dập ổ dịch COVID-19 từ Bệnh viện Bạch Mai

Dịch COVID -19: Bộ Y tế bác tin đồn về ca tử vong đầu tiên lan truyền trên mạng xã hội

Ban Chỉ đạo phòng ,chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung

Ngày 30/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban chỉ đạo.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thông báo của Bộ Y tế, tính đến 7h00 ngày 30/3/2020, tại Việt Nam có 194 người bị nhiễm COVID-19 tại 27 tỉnh thành phố. Tại Hà Nội, ghi nhận tổng cộng 71 truờng hợp có xét nghiệm dương tính. Trong đó 46 người nhập cảnh; 25 người lây thứ phát tại cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, ổ dịch tại Bệnh Bạch Mai tính đến sáng nay, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC) có 26 trường hợp dương tính với COVID -19 (2 trường hợp chưa công bố). Đến ngày 29/3 thì theo danh sách trích xuất từ Bệnh viện Bạch Mai có 1.592 trường hợp bệnh nhân nội trú Bệnh viện Bạch Mai được cho ra viện từ ngày 15/3 gửi về Hà Nội. Kết quả đã xác minh được 1.288 trường hợp đang ở Hà Nội và đã lấy được 865 mẫu bệnh phẩm. Và đã xét nghiệm được 228 mẫu, kết quả 228/228 mẫu âm tính.

Đối với những trường hợp liên quan khác như bệnh nhân khám ngoại trú, người đến chăm sóc người đến thăm, học viên đi học...hiện nay Sở đã rà soát được là 9.062 hai trường hợp; tổ chức cách ly được 6898 trường hợp (chưa qua 14 ngày) thực hiện lấy mẫu được 230 trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, 33 mẫu đã có kết quả, trong đó có 3 trường hợp dương tính là người chăm sóc bệnh nhân.

Tại hội nghị, đại diện quận, huyện đã báo cáo về các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trên địa bàn. Chủ tịch huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng báo cáo 2 trường hợp dương tính lần 1 theo thông báo lúc 1h ngày 30/3 của CDC Hà Nội tại tòa nhà HH01B, khu đô thị Thanh Hà. Ngay sau khi có thông tin, huyện đã gọi 115 đưa bệnh nhân lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh; đồng thời tiến hành phun khử khuẩn tại nhà bệnh nhân, ngoại cảnh bề mặt, tầng bệnh nhân ở và mặt sảnh tòa nhà; phong tỏa tòa nhà, khóa các cầu thang máy và cửa ra vào; điều tra các hộ liền kề cùng tầng, điều tra các quán, siêu thị 2 người đã tiếp xúc…

Liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, đại diện quận Đống Đa báo cáo trên địa bàn có 5 trường hợp của Công ty Trường Sinh đã xác định dương tính có thuê trọ trên địa bàn. Qua rà soát, tổng số trường hợp liên quan đến bệnh viện trên địa bàn quận là 760 người. Quận đã ban hành 668/760 quyết định cách ly. Toàn bộ khu vực của các trường hợp F1 liên quan F0, các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân của Bạch Mai đã được quận tổ chức phun khử khuẩn các địa điểm này.

Quận Hai Bà Trưng cho biết địa bàn có bệnh nhân số 169 là nhân viên công ty Trường Sinh thuê trọ tại ngõ Cột Cờ, phường Đồng Tâm. Quận đã khử khuẩn khu vực này và yêu cầu người dân không tiếp xúc cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung. Về xóm chạy thận nhân tạo liên quan Bệnh viện Bạch Mai có 105 người. Quận đã lấy mẫu 1 trường hợp liên quan khoa tim mạch, kết quả âm tính. Quận đã tiến hành khoanh vùng, đặt chốt tại xóm này.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý lưu ý các quận, huyện triển khai nghiêm túc, nhất là việc hạn chế tập trung đông người, tạm dừng hoạt động cơ sở kinh doanh. Điều tra kịp thời, chính xác, quyết liệt để cách ly các trường hợp F1, F2 để khoanh vùng được đối tượng lây lan.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai có phương án chặt chễ để hỗ trợ, phòng hộ cho tất cả các Bệnh viện trên địa bàn TP. “Bởi nếu một vài Bệnh viện trên địa bàn thành phố mà lại giống Bệnh viện Bạch Mai nữa thì sẽ không còn chỗ chữa bệnh”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nói.

   Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kết luận phiên họp.

Kiểm soát tốt ổ dịch tại Bệnh Bạch Mai, nếu không hậu quả sẽ khôn lường

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định: Chúng ta đang bước vào giai đoạn vô cùng nguy hiểm. Dịch bệnh đã lan truyền rộng hơn trên địa bàn thành phố, có nguy cơ lây nhiễm chéo trên các tỉnh, thành phố. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, dịch bệnh đã lây lan ra 20 quận, huyện của Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Có một số trường hợp F3 đã trở thành F0.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, dịch bệnh còn kéo dài, chứ không thể trong vòng 1 đến 2 tháng. Vì thế chúng ta phải xây dựng phương án phòng, chống dịch dài hạn. Phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, không có thời gian để bàn bạc. Cần phải định hình lại nguồn lực, các vật tư y tế; khẩn trương tổ chức nhân lực có khả năng lấy mẫu xét nghiệm.

Chủ tịch UBND TP khái quát, từ ngày 6/3 đến nay, các ổ dịch nhỏ tại Hà Nội đều đã được phát hiện và dập dịch tương đối triệt để. Nhưng giai đoạn hiện nay là giai đoạn rất nghiêm trọng, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đang là nơi nguy hiểm nhất.

Hà Nội nguy hiểm hơn khi có thể xuất hiện những ca nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ lây nhiễm ra người bệnh, người nhà và người khác chỉ trong vòng thời gian ngắn. Khi đã lây và phát tán, dịch bệnh sẽ phát triển rất nhanh, nếu không có các biện pháp dứt khoát, dịch bệnh sẽ lây theo cấp số nhân của cấp số nhân.

Để hạn chế lây lan COVID -19 từ ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu hệ thống tuyên truyền bây giờ cũng phải tuyên truyền mạnh đến mức mà để người dân phải tự rà soát lại trong những ngày qua, tiếp xúc với ai cũng phải nghĩ đến hai chữ “Bạch Mai”.

Nêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về việc thực hiện các biện pháp như vừa qua sẽ hạn chế được 60-65% việc lây lan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định nếu làm quyết liệt hơn nữa thì chúng ta có thể nâng được tỷ lệ này lên 95%.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị tất cả các trường hợp đã đến BV Bạch Mai từ ngày 10/3 đến 28/3 cần khẩn trương cách ly, liên hệ với lực lượng chức năng để lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế.

Các trường hợp đó bao gồm: bệnh nhân đã từng điều trị và mới ra viện trong thời gian từ ngày 10/3-28/3; những bệnh nhân nằm trong 1.592 trường hợp từ Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển các tuyến Bệnh viện khác; người nhà đến trông nom bệnh nhân trong thời gian từ 10/3-28/3; bệnh nhân điều trị ngoại trú đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3-28/3; những người đã từng đến thăm hỏi bệnh nhân trong tất cả các khoa tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3-18/3; các học sinh, sinh viên của các trường Cao đẳng Y tế, Đại học Y Hà Nội đến học tập, thực tập tại BV Bạch Mai từ ngày 10/3-28/3; những người tiếp xúc với bác sĩ, y tá tại Bệnh viện Bạch Mai rồi đi chữa bệnh tại các bệnh viện khác trên địa bàn TP từ 10/3 đến nay; tất cả thân nhân của những người đã tham gia vào công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai; những người có tiếp xúc với bệnh nhân Bệnh viện Bạch Mai hiện nay đã dương tính với Covid-19.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn chỉ cho phép 1 người nhà vào thăm và trông bệnh nhân nặng. Tất cả các y tá, bác sĩ trên địa bàn TP cần được xét nghiệm, ưu tiên lực lượng tại 41 khoa truyền nhiễm tại các Bệnh viện. Các khoa dinh dưỡng cần tổ chức nấu ăn và kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP triển khai các trạm xét nghiệm nhanh ở các phường xung quanh Bệnh viện Bạch Mai, sau đó ở các bệnh viện nội thành và ngoại thành và một số nơi tập trung đông người khác. “Việc này phải triển khai càng nhanh càng tốt” – đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP sử dụng test nhanh 10 phút thông qua lấy mẫu máu. Tổ chức hướng dẫn cho các trạm y tế về việc xét nghiệm ngay.

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết đã nhờ một nhóm chuyên gia người Việt ở Seoul, Hàn Quốc, và ở New York, Mỹ đã thiết kế trong chiều nay sẽ cung cấp cho Hà Nội 10 trạm là theo tiêu chuẩn của y tế thế giới WHO. Mỗi trạm này làm việc được 24/24. Trước mắt Hà Nội sẽ thuê 10 trạm với giá từ 6-7 triệu đồng/tháng để ở các phường phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm ngay..

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bệnh viện Bạch Mai đề xuất với Bộ Y tế công khai những trường hợp tử vong do những bệnh lý khác, tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng thông tin rằng đây là những trường hợp tử vong do COVID-19 gây hoang mang dư luận.

Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu cho nhân viên nghỉ và tận dụng tối đa làm việc qua mạng, hạn chế việc lây nhiễm chéo.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh với phương châm “4 tại chỗ”, Chủ tịch các quận, huyện toàn quyền quyết định việc cách ly, điều tra làm rõ và tổ chức quản lý cách ly tại cộng đồng. “Nếu chúng ta kiểm soát tốt ổ dịch tại Bệnh Bạch Mai thì cơ bản sẽ ngăn chặn được sự lây nhiễm của dịch bệnh, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói./.

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực