|
Dự báo diễn biến của các đợt rét đậm, rét hại vẫn rất phức tạp trong thời gian tới (Ảnh: B.T) |
Theo tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 29/12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại; Bắc Trung Bộ trời rét đậm; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét.
Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 10-13 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 11-14 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 14-17 độ C.
Cảnh báo, từ ngày 29-30/12, khu vực Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại; Bắc Trung Bộ trời rét đậm, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét. Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Với nhiệt độ giảm sâu, rét đậm, rét hại khả năng sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt của con người và đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, đây là khoảng thời gian, chúng ta cần chuẩn bị triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại, băng giá gây ra.
Thực tế cho thấy, trước đó, tính đến 18h ngày 21/2/2022, thống kê cho thấy, ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đã làm 1.010 con gia súc chết, gồm 881 con trâu, bò; 129 con dê và gia súc khác, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi.
Trước đó nữa, các đợt rét hại lịch sử đã gây rất nhiều thiệt hại cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, đợt rét từ 14/1-20/2/2008 (38 ngày) dài nhất trong lịch sử, nhiệt độ thấp nhất: Sa Pa (Lào Cai): -1 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -2 độ C. Đợt rét đã làm 137.932 con gia súc bị chết. Đợt rét từ 3/1-3/2/2011 (31 ngày) với nhiệt độ thấp nhất: Sa Pa (Lào Cai) 0 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn): -3,6 độ C. Đợt rét đã làm trên 30.000 con gia súc chết. Đợt rét từ 22-28/1/2016 có nhiệt độ thấp nhất trong lịch sử, xảy ra trên diện rộng; một số điểm nhiệt độ rất thấp như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -5,0 độ C, Sa Pa (Lào Cai) -4,2 độ C. Đợt rét đã làm 36.678 con gia súc bị chết,…
Đáng chú ý, do nhiệt độ giảm sâu đã dẫn đến những trường hợp đáng tiếc khi một số người dân dùng than đốt để sưởi ấm trong phòng kín. Trong khi đó, việc sửa ấm bằng củi, than, đặc biệt trong phòng kín gây tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc khí CO, thậm chí là tử vong.
|
Những món quà "đông ấm" gửi đến trẻ em vùng cao (Ảnh: Hiếu Nghĩa) |
Theo dự báo ngắn hạn của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (từ 21/12/2022-20/1/2023), trong thời kỳ này, dự báo nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến thấp hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Cảnh báo, trong thời kỳ này, dự báo không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất, các tỉnh miền Bắc có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại và tập trung trong thời kỳ 3-4 ngày cuối tháng 12/2022 và trong tháng 1/2023.
Điều đó cho thấy không khí lạnh và tình hình rét đậm, rét hại vẫn còn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng và đe dọa đến sức khỏe của con người cũng như sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy, ngay trong thời điểm này, người dân cần trang bị đầy đủ các kiến thức để phòng chống rét đậm, rét hại. Khuyến cáo của các chuyên gia cho thấy, đối với con người, để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông giá rét, nên thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng; ăn uống các đồ ấm và nóng; mặc quần áo đủ ấm, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Nếu trời có mưa và tuyết nên mặc quần áo không thấm nước, tránh để bị ướt. Đặc biệt không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín; không nên đi tập thể dục lúc quá sớm, nhất là đối với người cao tuổi, người bị mắc bệnh lý về hô hấp, tim mạch.
Bên cạnh đó, về cách giữ ấm nhà trong mùa đông, hạn chế mở cửa, đồng thời, bịt kín các chỗ hở và vết nứt; sử dụng thảm trải sàn cho phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc. Tận dụng ánh nắng mặt trời để sưởi ấm nhà và các phòng; trang bị lớp cách nhiệt cho tường nhà như sử dụng vách ngăn trang trí bằng gỗ hoặc nhựa....
Đối với cây trồng, chủ động che chắn cho cây bằng ni lông, bạt,...Thực hiện theo hướng dẫn các biện pháp phòng chống rét của các cơ quan khuyến nông; tăng cường biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ,...
Đặc biệt, đối với đàn gia súc, Cục Chăn nuôi khuyến cáo, cần gia cố chuồng trại cho vật nuôi trước khi vào vụ Đông Xuân để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô. Thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung thêm chất độn chuồng, đối với lợn hạn chế rửa chuồng để gia súc tăng khả năng chống rét.
Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thông báo của cơ quan chính quyền địa phương để có kế hoạch cụ thể cho đàn gia súc. Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Người chăn nuôi trâu, bò ở miền núi có thể di chuyển đàn vật nuôi từ vùng cao xuống vùng thấp để tránh rét cho vật nuôi. Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non, do vậy, khi rét đậm, rét hại phải nhốt gia súc tại chuồng để tiện chăm sóc, quản lý và không tắm cho gia súc.
Đồng thời, chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh (phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua thức ăn xanh), cũng như thức ăn tinh cho gia súc để đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc. Việc cung cấp đủ thức ăn những ngày giá, rét cho vật nuôi giúp cho vật nuôi sinh nhiều năng lượng để chống rét tốt hơn,…
Cái lạnh giá buốt của mùa đông mới chỉ đang là giai đoạn bắt đầu, chính vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, với các địa phương tại các vùng núi cao, với nhiều điều kiện còn thiếu thốn, khó khăn, rất cần chính quyền, các đoàn thể các cấp cùng chung tay hỗ trợ người dân, cử các đoàn công tác để kiểm tra, hỗ trợ người dân phòng chống rét, đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi, cây trồng,...
Đặc biệt, với những hoàn cảnh còn khó khăn tại các vùng núi cao, trong những thời điểm này, rất cần những tấm lòng “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau hỗ trợ với những món quà “đông ấm” để san sẻ bớt những khó khăn, giá lạnh mà người dân ở đây đang phải “gồng mình” vượt qua. Bởi ở đó, chúng ta cũng thấy được tinh thần vì cộng đồng của những tấm lòng thiện tâm. Đồng thời, cũng là những hành động đẹp, nhân ái, để dù ngoài kia gió rét và băng giá nhưng vẫn thấy ấm tình người./.