Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động

Thứ năm, 18/05/2023 22:38
(ĐCSVN) - Sau hơn 2 giờ đồng hồ, hàng loạt câu hỏi đã được công nhân, lao động (CNLĐ) trực tiếp gửi tới Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội với nội dung tập trung vào việc giải quyết chế độ bảo hiểm; thanh tra, kiểm tra tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH)...

Ngày 18/5, tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 CNLĐ, đại diện cho hơn 600 nghìn CNLĐ đang làm việc trên địa bàn. Chương trình do UBND thành phố và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023.

 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 CNLĐ

Đối thoại với CNLĐ, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành tựu của thành phố đạt được trong thời gian qua, có sự đóng góp rất quan trọng của hơn 600 nghìn CNLĐ trên địa bàn TP.

Liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Chủ tịch thành phố nêu rõ, nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát các dự án xây dựng nhà ở công nhân đang triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các sở, ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, LĐLĐ thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu 100% khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đến năm 2030 đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. 

Liên quan đến việc đóng BHXH, đồng chí Trần Sỹ Thanh lưu ý: Nếu rút BHXH một lần, người lao động sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi chăm sóc sức khỏe khi tuổi già.

Đại diện CNLĐ đặt câu hỏi tới lãnh đạo thành phố 

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND Thành phố thông tin, Thành phố đang thực hiện hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ và hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.

Đồng thời,  Thành phố đang thực hiện đẩy mạnh việc thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các chủ doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Kiên quyết không xét tham gia đấu thầu và đầu tư dự án đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, không tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động. Trường hợp các đơn vị đang thực hiện các dự án của thành phố mà nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động, sẽ triệt để xử lý dừng dự án và không giao dự án mới.     

Dịp này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương đã trao quà cho CNLĐ.

Hà Nội hiện có trên 250.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,5 triệu lao động. Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn CNLĐ tiếp tục gặp những khó khăn. 

Các dự án nhà ở 3 khu công nghiệp: Thạch Thất (huyện Quốc Oai), Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) mới đáp ứng gần 20% nhu cầu của CNLĐ. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, đa phần diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập cho con em công nhân còn thiếu nhiều; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân hầu như chưa có. Việc học tập của con em công nhân, lao động cũng gặp khó khăn.

Tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động với những vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng…  

 

Gia Huy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực