Chủ trương đúng, cách làm hay ở Sơn La

Thứ hai, 06/08/2018 15:51
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, công tác giúp đỡ xã khó khăn, xã biên giới, xã có công ở tỉnh Sơn La đã và đang góp phần quan trọng giúp ổn định tình hình chính trị xã hội, nâng cao mọi mặt đời sống người dân; tăng cường đồng thuận xã hội và củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng các các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh…

Chủ trương xuất phát từ thực tiễn

Sơn La là một trong những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhất của cả nước. Địa hình trải rộng với nhiều vị trí bị chia cắt; đất đai bạc màu; trình độ dân trí không đồng đều, thói quen canh tác của người dân lạc hậu đã là những “lực cản” trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 28/4/2017, tỉnh Sơn La có 112 xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) và 66 xã khu vực II (xã có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định). Bám sát đặc điểm đó, thời gian qua, trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã thường xuyên có sự quan tâm đối với các xã khó khăn, xã biên giới, xã có công trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều quyết định về việc phân công các sở, ban ngành, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các công ty giúp đỡ các xã nói trên như: Quyết định 2523/QĐ-UBND năm 2013, Quyết định số 1919/QĐ-UBND năm 2017…

Thực hiện các quyết định này, trên cơ sở sự phân công của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Với việc nghiên cứu đặc điểm tình hình, nhu cầu thực tế của từng xã, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã xác định nội dung giúp đỡ, hỗ trợ bám sát do chương trình khung của UBND tỉnh ban hành. Trong đó, trọng tâm là phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, bổ sung, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ các xã phát triển sản xuất, hạ tầng, các lĩnh vực văn hóa xã hội; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; thường xuyên tổ chức giao lưu, thăm hỏi gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Thông qua các nội dung hoạt động phong phú đó đã trực tiếp góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để từng bước ổn định và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc tại 123 xã khó khăn, xã biên giới, xã có công của tỉnh Sơn La.

Sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã giúp hàng nghìn học sinh
tại 123 xã khó khăn, xã biên giới, xã có công ở tỉnh Sơn La có thêm điều kiện học tập (Ảnh: NQ)
 
Thuận Châu là huyện có số xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có công được các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận hỗ trợ nhiều nhất tỉnh Sơn La với 22 xã. Từ năm 2013 đến nay, các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh Sơn La đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Thuận Châu tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, nâng cao năng suất, thu nhập gia đình; không tuyên truyền, học đạo trái phép, di dịch cư tự do và trồng cây thuốc phiện. Đồng thời, vận động cán bộ, công chức đóng góp và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tổ chức thăm tặng quà, hỗ trợ cây, con giống giúp bà con phát triển kinh tế bền vững; hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cho các hộ nghèo, gia đình chính sách; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như: Nhà bếp ăn bán trú, làm đường giao thông nông thôn và công trình nước sạch, vệ sinh môi trường… Theo đồng chí Đào Tài Tuệ, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu (Sơn La), sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối những bước phát triển của toàn huyện trong thời gian qua. Những nội dung giúp đỡ phù hợp, sát với nhu cầu của người dân địa phương đã trực tiếp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo tại nhiều xã khó khăn của huyện như các xã Bản Lầm, Chiềng Bôm, Púng Tra, Tông Cọ…

Hiệu quả bền vững từ cách làm hay

Thực tế những năm qua cho thấy, không chỉ tại 22 xã của huyện vùng cao Thuận Châu là ở hầu hết 123 xã khó khăn, xã biên giới, xã có công trên địa bàn tỉnh Sơn La, hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp đều đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cơ quan, đơn vị được phân công giúp đỡ đã chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh; vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo vệ rừng, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Đã có hàng chục tỷ đồng được sử dụng để hỗ trợ, giúp đỡ các xã triển khai các hoạt động an sinh xã hội; kiến thiết hạ tầng nông thôn; xây dựng các mô hình khuyến nông, phát triển chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các công trình nhà lớp học, bếp ăn bán trú, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi... Nhiều hoạt động khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi...  cũng được thực hiện có hiệu quả.

Công trình nước sạch sinh hoạt được hỗ trợ xây dựng ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La (Ảnh: NQ)

Đi sâu tìm hiểu được biết, đến nay rất nhiều nội dung, cách làm giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với các xã khó khăn, xã biên giới, xã có công ở Sơn La đã và đang khẳng định rõ hiệu quả nhất là trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mọi mặt đời sống người dân. Nổi bật như mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trị giá 61 triệu đồng do Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp đỡ xã Cà Nàng (Quỳnh Nhai); mô hình trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi trị giá hơn 50 triệu đồng do Trường Cao đẳng Nông Lâm giúp đỡ xã Tà Hộc (Mai Sơn); 5 nhà đại đoàn kết trị giá 250 triệu đồng do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết giúp đỡ xã Liệp Tè (Thuận Châu); hơn 700 triệu đồng của Công ty thủy điện Sơn La ủng hộ các xã khắc phục hậu quả do mưa lũ trên địa bàn huyện Mường La; 125 triệu đồng của Công ty Điện lực Sơn La giúp đỡ xã Chiềng Sang (Mường La)… Với sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực nói trên, đến nay tình hình kinh tế, dân sinh tại các xã được giúp đỡ đã có những chuyển biến rõ nét. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo các xã nói trên đã giảm 4%/ so với năm 2013; bình quân lương thực, thu nhập bình quân đầu người các xã qua các năm đều tăng lên; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của 123 xã đã được cải thiện rõ rệt…

Anh Đinh A Sung ở bản Nà Cạn, xã Tả Lại, huyện Mộc Châu (Sơn La) phấn khởi chia sẻ: “Bản Nà Cạn này trước đây nghèo khó lắm, từ ngày được Hội Nông dân tỉnh giúp đỡ, nhiều mô hình sản xuất mới được hỗ trợ nên bà con đã biết cách phát triển kinh tế. Đến nay, thu nhập của cả bản đã được nâng lên; đời sống được phát triển hơn trước. Như nhà mình, năm ngoái cũng thu được gần 150 triệu đồng từ trồng rừng và chăn nuôi trâu bò sinh sản”.

Theo đồng chí Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, với những cách thức thực hiện đa dạng, phong phú, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị đã trực tiếp góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các xã được giúp đỡ; đặc biệt là thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc; phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình; xây dựng hạ tầng nông thôn miền núi; xây dựng quy ước, hương ước gắn với thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa và xây dựng nông mới…

Mô hình sản xuất do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La hỗ trợ xây dựng
tại xã đặc biệt khó khăn Chiềng Pha, huyện Thuận Châu (Ảnh: NQ)

Phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động giúp đỡ các xã khó khăn, xã biên giới, xã có công theo hướng coi trọng hiệu quả thực chất; tránh biểu làm hình thức. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp được phân công giúp đỡ các xã nói trên cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, những chủ trương, định hướng lớn của tỉnh có liên quan trực tiếp đến các xã; chủ động nắm vững tình hình an ninh, chính trị, kinh tế xã hội, tư tưởng nhân dân địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh việc giúp đỡ, hỗ trợ xã về vật chất, kỹ thuật phù hợp với khả năng và lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.

Có thể nói, xuất phát từ một chủ trương phù hợp với thực tiễn, hoạt động phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chung tay giúp đỡ các xã khó khăn, xã biên giới, xã có công ở tỉnh Sơn La đã đạt được hiệu quả thiết thực. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đẩy mạnh việc phát triển văn hóa, xã hội, y tế giáo dục…, sự giúp đỡ kịp thời, phù hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp còn có ý nghĩa quan trọng trong củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị xã hội tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh Sơn La./.

Bài, ảnh: Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực