Thực trạng đáng báo động…
Thời gian qua, tại Quảng Ngãi, xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em với những thủ đoạn tinh vi, tính chất phạm tội khá phức tạp. Trong đó, ở một số vụ việc, nhiều đối tượng đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết, thậm chí là quan hệ ruột thịt với nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội.
Điển hình là trường hợp H.V.K. (18 tuổi, xã Sơn Trà) bị cơ quan chức năng huyện Trà Bồng bắt để điều tra hành vi hiếp dâm em gái ruột. Hậu quả làm nạn nhân mang thai.
|
Công an huyện Trà Bồng điều tra vụ H.N.K, hiếp dâm em gái ruột (Ảnh: Công an huyện Trà Bồng). |
Hay như vụ việc đối tượng P.N.X. (33 tuổi) đã giở trò đồi bại, hiếp dâm con riêng của vợ. Sự việc khiến nạn nhân mới 13 tuổi rơi vào tình trạng hoảng sợ, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và học tập.
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố, điều tra 8 vụ với 11 bị can về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Nạn nhân bị xâm hại từ 4 đến dưới 16 tuổi, trong số này đa phần là trẻ em gái; trong đó có 2 trường hợp nạn nhân mang thai sau khi bị xâm hại tình dục.
Điều đáng nói, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em đều là người trưởng thành, thậm chí là người cao tuổi. Một số đối tượng là người có mối quan hệ thân quen trong gia đình, người có quan hệ ruột thịt hoặc có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc các nạn nhân.
Quá trình điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc do nạn nhân có sự nhận thức không đúng hoặc chưa đầy đủ về những nguy hiểm tiềm ẩn từ mối quan hệ tình cảm qua mạng Internet. Nhiều trường hợp đối tượng phạm tội lợi dụng tình cảm quan hệ nam nữ, quan hệ gia đình, họ hàng để dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân, lợi dụng tục tảo hôn để thực hiện hành vi phạm tội.
Cùng với đó, do hoàn cảnh nên nhiều nạn nhân thiếu sự chăm sóc, giám sát của gia đình. Có trường hợp cha mẹ đi làm ăn xa gửi con cho người thân nuôi dưỡng, dẫn đến buông lỏng chăm sóc, quản lý để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Song dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào, phía sau mỗi vụ việc xâm hại tình dục trẻ em cũng là những hậu quả nặng nề về thể xác, tâm lý đối với nạn nhân và gia đình. Cùng với đó, là thông điệp cảnh báo về sự băng hoại của các giá trị đạo đức xã hội, tiềm ẩn những hệ lụy tiêu cực đối với xã hội nếu không có những biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, kiên quyết.
Cần những giải pháp đồng bộ
Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng, đồng chí Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp tăng cường các biện pháp ngăn ngừa loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Tập trung vào việc phối hợp thực hiện việc tuyên truyền, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.
Thực tế, cùng với quá trình điều tra của cơ quan chức năng, các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở Quảng Ngãi đã phải trả giá thích đáng theo các quy định của pháp luật. Điển hình là trung tuần tháng 6/2023 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên án đối tượng Trần Tấn Hùng (67 tuổi, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) 27 năm tù giam về tội hiếp dâm và dâm ô người dưới 16 tuổi.
|
Cơ quan chức năng làm việc với Phạm Văn Truyền, đối tượng có hành vi dâm ô với 2 cháu bé và một cụ bà. (Ảnh: Công an huyện Trà Bồng). |
Bên cạnh đó, với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, thời gian qua, các cơ quan, lực lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như: Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Công an, Tỉnh Đoàn,… đã thường xuyên chú trọng, tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh, điều tra, làm rõ các vụ việc. Cơ bản, nhận thức của người dân đã được nâng lên; các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh sau khi trình báo đã được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cùng với công tác điều tra, xử lý, để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đòi hỏi phải có sự chung tay, vào cuộc của các tổ chức, các lực lượng, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường… Cụ thể, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp từng đối tượng, nhằm phát huy hiệu quả, chất lượng; chú trọng tại các khu vực trọng điểm, các trường học, các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa và các đối tượng dễ bị lợi dụng, xâm hại… Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, kết hợp tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó làm cho người dân nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật và phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em để cảnh giác và tự phòng ngừa; giáo dục kỹ năng bảo vệ cho trẻ em; hướng dẫn trẻ em tự phòng tránh các hành vi bị người khác xâm hại…
Cơ quan chức năng các cấp và các địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với mọi hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, kích động đối với trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em. Tổ chức tốt các phiên tòa lưu động, phiên tòa giả định đối với các vụ án xâm hại trẻ em. Điều tra, xử lý nghiêm khắc các vụ án xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng; giảm tối đa các tổn hại do bạo lực, xâm hại gây ra cho trẻ em.
Bên cạnh đó, để đẩy lùi tội phạm xâm hại trẻ em, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Thông qua lồng ghép nội dung và các hoạt động ngoại khóa, các trường học cần chú trọng trang bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết nhất định về giới tính cũng như kỹ năng phòng tránh bị xâm hại và tự phòng vệ trước những mối nguy hiểm. Mỗi bậc phụ huynh cần đề cao trách nhiệm, tình thương yêu trong việc giám sát, quản lý, nắm bắt hành vi, sự thay đổi về tâm, sinh lý của con cái; kịp thời có biện pháp quản lý, giáo dục, trang bị kiến thức cần thiết để con em có khả năng nhận thức và tự phòng vệ trước những mối nguy hiểm. Tránh việc phó mặc con em cho nhà trường, thầy cô giáo. Phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở để các em không chủ quan, lơ là trong quan hệ, tiếp xúc với mọi người, ngay cả những người thân thuộc, quen biết.
Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng; chủ động huy động nguồn lực từ xã hội, các tổ chức quốc tế và cá nhân; phát huy có hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em ở các cấp hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn./.