Cơn lũ đi qua, tình người ở lại

Thứ ba, 18/10/2016 21:16

(ĐCSVN) - Những ngày qua, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, đặc biệt tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, lũ lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nơi đây. Nhân dịp này, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thành lập các đoàn công tác kịp thời có mặt để thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn và trao tận tay hơn 1.200 suất quà tới đồng bào vùng lũ của hai địa phương.

Sau cơn lũ dữ

Ngay sau cơn lũ tràn qua tỉnh Quảng Bình, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cùng đoàn công tác NHCSXH đã thay mặt cán bộ, viên chức, lao động (CBVCLĐ) trong toàn hệ thống NHCSXH có mặt tại huyện Tuyên Hoá và thị xã Ba Đồn kịp thời thăm hỏi, động viên cũng như trao tận tay 600 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng tới các hộ gia đình bị thiệt hại, đang gặp khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh đó, đối với các gia đình có thân nhân bị chết do lũ cuốn, Công đoàn NHCSXH hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Một ngày sau trận lũ tràn qua xã Quảng Lộc. Nước đã rút, những căn nhà liêu xiêu, những con đường ngập trong bùn đất, rác rưởi phủ đầy. Đồ đạc của người dân vẫn chưa được thu dọn hết, ngổn ngang mỗi nơi một chiếc.

“Đây là cơn lũ lịch sử. Nước vô mau quá, gia đình trở tay không kịp. May mắn là khi nước lên, bà con trong xóm thay nhau tới giúp đưa cả nhà lên ngồi sát nóc nhà, nếu không thì khổ nữa...”, bà Đinh Thị Tiến ở xóm 2, thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc chia sẻ với chúng tôi với nét mặt vẫn chưa hết bàng hoàng. Gia đình bà Tiến thuộc diện hộ nghèo của địa phương, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn và gia cầm. Những tưởng vụ thu hoạch trứng và xuất lứa lợn tới sẽ giúp gia đình có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi thì nay cơn lũ qua đã cướp đi kế sinh nhai vốn dĩ ít ỏi của gia đình bà Tiến.

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ của Quảng Bình (Ảnh: PV)

Huyện Tuyên Hóa là địa phương của tỉnh Quảng Bình cũng chịu thiệt hại năng nề trong mưa lũ. Đến ngày 17/10, lũ trên địa bàn huyện Tuyên Hoá đã khiến cho 9.472 nhà dân bị ngập; 21 nhà bị sập; 44 điểm trường bị ngập; 12 chiếc thuyền bị trôi và mất tích... Theo thống kê sơ bộ, có gần 800 con gia súc, hơn 46 nghìn con gia cầm, 29 đàn ong bị lũ làm chết, cuốn trôi... Ngoài ra, lũ lụt còn gây thiệt hại hàng trăm hec-ta diện tích lúa và hoa màu các loại; 39ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 16 lồng cá bị trôi; gần 680 tấn lương thực bị ngập, hư hỏng.

Trước những băn khoăn, lo lắng của người dân, đặc biệt là hộ dân vay vốn từ NHCSXH, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho biết: “Để chủ động khắc phục hậu quả do thiên tai, Tổng Giám đốc NHCSXH đã có Công điện yêu cầu chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương và đối tượng vay vốn nắm bắt kịp thời những thiệt hại do thiên tai gây ra, căn cứ vào mức độ thiệt hại của từng khoản vay, NHCSXH và các đơn vị có liên quan hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Ngoài ra, NHCSXH sẽ tiếp tục xem xét nhu cầu của bà con để cho vay bổ sung, cho vay mới, giúp bà con có nguồn vốn kịp thời duy trì SXKD, ổn định đời sống”.

Ấm tình người sau cơn lũ

Là một trong nhiều hộ của xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển sản xuất, chăn nuôi, ông Đình Khanh ở thôn 7, xã Cẩm Quan không giấu nổi nỗi buồn, tâm sự với chúng tôi: “Trôi hết rồi chú ơi. Gà lợn, lúa gạo, đồ đạc trôi sạch rồi. Mấy năm trước đều xả lũ nhưng có ngập sâu và ngâm lâu thế này đâu. Cứ nghĩ chỉ lũ nhỏ như các đợt trước nên chúng tôi trở tay không kịp”.

Thay mặt CBVCLĐ hệ thống NHCSXH, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp  thăm hỏi, động viên các gia đình đang gặp khó khăn do cơn lũ gây ra trên địa bàn xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (Ảnh: PV)

Năm 2014, được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo, gia đình ông Khanh đã sử dụng toàn bộ tiền vay để đầu tư mua bò và phân bón để trồng lúa. “Nếu theo kế hoạch thì thu hoạch vụ lúa này cùng với số tiền bán bê, gia đình tôi có thể hoàn trả nợ gốc trước hạn cho ngân hàng, nhưng lũ tới thế này thì cuộc sống tới đây sẽ thêm nhiều khó khăn hơn”, ông Khanh thở dài.

Không chỉ riêng gia đình ông Khanh, tài sản của nhiều hộ dân trong vùng cũng bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi. Để giữ lại mạng sống, người dân chỉ biết vội vàng chạy đến những nơi cao nhất trốn, trèo lên mái nhà..., bất lực chứng kiến trâu, bò, lợn, gà, những tài sản tích cóp cả đời mới có đã trôi theo dòng nước lũ. Trao đổi với Đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên kiêm Trưởng Ban đại điện HĐQT NHCSXH huyện cho biết: Toàn huyện có 6 xã bị ngập lụt, trong đó xã Cẩm Quan và Cẩm Duệ bị thiệt hại khá nặng về người và tài sản. Cụ thể, xã Cẩm Quan có 1 người chết, gần 300 hộ dân bị ngập sâu; hàng nghìn gia súc, gia cầm và một số công trình xây dựng khác bị cuốn trôi, hư hỏng; xã Cẩm Duệ có 732 hộ bị ngập, hơn 500 con gà, vịt bị chết, nhiều héc-ta lúa bị mất trắng...

Thăm hỏi, động viên và trao 100 suất quà hỗ trợ, mỗi suất 500 nghìn đồng cho bà con vùng lũ xã Cẩm Quân và Cẩm Duệ, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Võ Minh Hiệp chia sẻ, món quà không lớn nhưng thể hiện nghĩa tình, tấm lòng của CBVCNLĐ  NHCSXH với đồng bào trong khó khăn, hoạn nạn; đồng thời mong muốn các hộ gia đình nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, tiếp tục chủ động ứng phó với cơn bão số 7 sắp đổ bộ vào đất liền.

Cùng với Cẩm Xuyên, các gia đình đang gặp khó khăn do mưa lũ vừa qua gây ra tại huyện Lộc Hà, Hương Khê, Vũ Quang và Đức Thọ cũng được NHCSXH hỗ trợ hơn 500 suất quà. Đối với các hộ gia đình có thân nhân bị đuối nước, Công đoàn NHCSXH hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, Lưu Văn Minh thông tin: Chi nhánh đang khẩn trương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo Công điện của Tổng Giám đốc về ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và cơn bão số 7 sắp đổ bộ vào đất liền nước ta, đảm bảo an toàn nguồn vốn, tài sản và con người. NHCSXH tỉnh cũng tham gia cùng chính quyền địa phương trong Ban chỉ đạo của tỉnh khắc phục mưa lũ. “Những ngày qua, Đoàn công tác của chi nhánh liên tục trực tiếp xuống cơ sở, trước mắt, đơn vị chia sẻ cùng bà con khắc phục ban đầu. Sau đó, sẽ tiến hành rà soát các tổn thất, thiệt hại, kịp thời báo cáo NHCSXH Trung ương để khắc phục hậu quả”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Về khắc phục thiệt hại vốn vay ưu đãi do thiên tai gây ra, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp khẳng định: NHCSXH sẽ áp dụng các biện pháp gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả nợ) đối với các khoản vay bị thiệt hại đến dưới 40%; Khoanh nợ tối đa đến 3 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 40% đến dưới 80% và khoanh nợ tối đa đến 5 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 80% đến 100% (trong thời gian khoanh nợ, khách hàng chưa phải trả nợ và không phải trả lãi).

Cùng với nhân dân toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung, nhân dân xã Cẩm Quan, Cẩm Duệ thuôc huyện Cẩm Xuyên nói riêng vừa phải tập trung triển khai làm vệ sinh, xử lý môi trường, vừa tích cực mọi nỗ lực để ổn định cuộc sống vừa sẵn sàng ứng phó với việc xả lũ các hồ đập và cơn bão số 7 sắp tiến vào đất liền. Tất cả với tinh thần khẩn trương, dù ngổn ngang những khó khăn trước mắt...

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực