Đắk Nông: Xe công nông - nỗi ám ảnh trên địa bàn Tây Nguyên

Thứ sáu, 25/12/2015 15:39
Xe công nông từng được coi là phương tiện không thể thiếu đối với hàng trăm nghìn nông dân tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc sử dụng xe công nông, nhất là trên quốc lộ và một số tuyến đường đông dân cư, đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

Xe công nông - nỗi ám ảnh trên địa bàn Tây Nguyên. (Nguồn: thanhtra.com.vn)

 

Anh Phan Văn Mãi, trú tại phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) than thở: Nhiều năm nay, xe công nông đã trở thành nỗi ám ảnh đối với cánh tài xế taxi bởi xe công nông không có đèn hoặc đèn không đủ độ sáng; nhiều tài xế xe công nông gần như không quan tâm đến luật giao thông, việc điều khiển phương tiện hết sức tùy tiện như dàn hàng 2, hàng 3 trên đường, sang đường không tín hiệu… nên rất nguy hiểm. 

Còn anh Nguyễn Thế Hiền, tài xế xe tải thường xuyên chở hàng tuyến thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho rằng: Đối với cánh tài xế đường dài, xe công nông là loại phương tiện đáng ngại nhất. Anh Hiền cho biết thêm: Nhiều lúc trời nhá nhem tối hoặc ban đêm, sợ nhất là nhiều xe công nông xuất hiện trên đường cứ như “trên trời rơi xuống”. Xe công nông chở hàng hóa cồng kềnh, nhiều lúc hàng hóa rơi xuống đường, rất nguy hiểm cho các phương tiện khác cùng lưu thông. "Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, quản lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khác" - anh Hiền bức xúc. 

Tỉnh Đắk Nông, có số lượng xe công nông khá lớn. Hiện toàn tỉnh có hơn 13.000 xe công nông đăng ký. Điều đáng nói là tại Đắk Nông, phần lớn tài xế xe công nông chưa được cấp Giấy phép lái xe (hạng A4) và hàng chục nghìn xe vẫn chưa được đăng ký. Tuy nhiên, việc xử lý với loại phương tiện trên tại Đắk Nông mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở (số lượng phương tiện, tài xế bị xử lý hàng năm chưa tới 100 trường hợp). 

Thiếu tá Nguyễn Công Long, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đắk Nông cho rằng: Do đây là phương tiện quá “sát sườn” đối với nông dân, nhất là người trồng cà phê, nếu xử lý mạnh tay sẽ rất “khó” cho người dân. Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Công Long, việc đăng kiểm khó khăn là do hầu hết người dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa, do đó ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực này chưa cao. Mặt khác, với mức phạt 5 triệu đồng đối với trường hợp người điều khiển không có Giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện... cũng là một trở ngại lớn đối với người dân vùng sâu, vùng xa. 

Theo một số tài xế, các cơ quan chức năng cần tập trung vào một số yêu cầu an toàn tối thiểu đối với xe công nông như: Xe phải có đèn chiếu sáng, đèn xi nhan và đảm bảo đủ sáng; người điều khiển xe phải có kiến thức về an toàn giao thông như nhận thấy các tín hiệu xin vượt, xin nhường đường; xe cần sơn màu sáng để các phương tiện khác dễ nhận biết, nhất là trong điều kiện trời tối…

Rõ ràng, việc chấn chỉnh, quản lý xe công nông, nhất là việc lưu hành phương tiện này trên quốc lộ và các tuyến đường đông dân cư là rất cần thiết. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng đã có công điện yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải chấn chỉnh, quản lý việc này. Tuy nhiên, đến nay, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông nói riêng và một số tỉnh Tây Nguyên nói chung vẫn chưa đủ mạnh tay trong việc quản lý loại phương tiện này. Thời gian tới đây, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các vi phạm đối với người điều khiển xe công nông, tránh để những ảnh hưởng đến người và phương tiện khác cùng lưu thông trên đường./. 

Hưng Thịnh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực