Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông thủy Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 23/08/2016 11:17
(ĐCSVN) – Theo Bộ Giao thông vận tải, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện chiếm 70% vận tải đường thủy nội địa cả nước. Chính vì vậy, trong những năm qua, khu vực này đã được chú trọng đầu tư về kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao năng lực vận tải đường thủy lên một bước đáng kể.

Một tuyến đường thủy tại khu vực ĐBSCL được nâng cấp (Ảnh: K.V)

Dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long được bắt đầu triển khai từ năm 2007. Dự án có tổng mức đầu tư trên 554 triệu USD, bao gồm vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới là trên 359 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc là 45 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước là trên 149 triệu USD.

Dự án bao gồm các công trình trọng điểm như: xây dựng 4 cầu trên quốc lộ 54; cải tạo và nâng cấp 253 km hành lang đường thủy số 2 xuyên Đồng Tháp Mười – Tứ giác Long Xuyên đạt tiêu chuẩn đường cấp III đường thủy nội địa với tổng khối lượng nạo vét 10,3 triệu m3; xây dựng âu thuyền Rạch Chanh và lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống phao tiêu báo hiệu đường thủy nội địa trên hành lang đường thủy số 2 và 3… 

Sau 9 năm thực hiện, Dự án đã góp phần cho vận tải hàng hóa đường thủy của các địa phương trong khu vực này phát triển mạnh mẽ. Sự kết nối này đã giảm tải áp lực vận tải đường bộ, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đường thủy từ thành phố Hồ Chí Minh tới các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần giảm giá vận tải đường thủy cho các doanh nghiệp tại khu vực này. 

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngoài Dự án nói trên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có các dự án khác như: dự án nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam và cảng Cần Thơ, dự án này sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Việc quy hoạch tốt hạ tầng giao thông, đặc biệt giao thông thủy nội địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm được chi phí lớn trong chuyên chở hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong vùng thông qua các tuyến đường thủy nội địa và vận tải đa phương thức. Do đó, đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông đường thủy được xem là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực