Để hiện thực hóa Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN

Thứ năm, 09/11/2023 15:46
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, để thực hiện Tuyên bố Hạ Long, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác sẽ phải tập trung vào việc tăng cường hệ thống thông tin về rủi ro thiên tai, dự báo và cảnh báo sớm; tăng cường lập kế hoạch và vận hành, thực hiện các hành động sớm phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cấp quốc gia, cấp khu vực và địa phương,….

Công tác phòng, chống thiên tai được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động để không ngừng phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhân năm 2023, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức cuộc trao đổi, trò chuyện với chủ đề: Phòng ngừa, hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai.

Tham dự cuộc trao đổi, trò chuyện có bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Nguyễn Duy Du - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội.

 Bà Đoàn Thị Tuyết Nga - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ở giữa); ông Nguyễn Duy Du - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội (bên trái) tham gia cuộc trao đổi, trò chuyện với chủ đề Phòng ngừa, hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai (Ảnh: B.T)

Phóng viên (PV): Từ ngày 8/10 - 13/10/2023, tại Quảng Ninh, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các sự kiện khác có liên quan hưởng ứng năm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai 2023 của Việt Nam. Với tư cách là đơn vị tham mưu giúp Bộ NN&PTNT tổ chức chuỗi sự kiện trên, vậy xin bà Đoàn Thị Tuyết Nga cho biết về những kết quả đạt được qua chuỗi những sự kiện trên?

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 và các sự kiện liên quan đã được tổ chức từ ngày 9 - 13/10 tại Hạ Long. Lý do Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà tổ chức hội nghị này do Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai và trong chuỗi sự kiện này cũng đã thu được nhiều kết quả nổi bật.

Đầu tiên chúng ta phải kể đến là Hội nghị cũng như là các chuỗi sự kiện trên đã củng cố vai trò của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai trên các diễn đàn quốc tế cũng như trong khu vực bởi vì không chỉ có sự tham dự của các Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai mà ở đây còn có đại diện của một số quốc gia, đối tác của ASEAN, ví dụ như các Bộ trưởng, Thứ trưởng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Điểm thứ hai cũng khá nổi bật, đó là Hội nghị đã thể hiện được sự thống nhất, đoàn kết và cùng chung chí hướng của các quốc gia ASEAN trong quản lý thiên tai.

Điểm thứ ba, đó là trong sự kiện lần này, các Bộ trưởng ASEAN đã đưa ra được một tuyên bố chung, đó là tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN.

Tôi nghĩ rằng sự kiện lần này thể hiện được vai trò lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, trên cương vị là chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai và Chủ tịch Ban Quản trị Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai.

PV: Một điểm nhấn tại sự kiện về Quản lý thiên tai vừa qua, đó là các Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai đã thống nhất thông qua Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN. Vậy xin bà Đoàn Thị Tuyết Nga cho biết về những nội dung chính của Tuyên bố Hạ Long?

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga:  Đầu tiên phải khẳng định Tuyên bố Hạ Long là sáng kiến của Việt Nam, và sau khi Tuyên bố Hạ Long có tham vấn nội bộ tất các các quốc gia ASEAN, các Bộ trưởng ASEAN đều thống nhất đưa ra để trở thành Tuyên bố chung trong sự kiện lần này. Và Tuyên bố chung này, chúng ta đề cập chủ yếu là hành động sớm trước thiên tai.

Thực ra, việc hành động sớm trước thiên tai và một vấn đề mà chúng ta đã và đang làm, chúng ta có những hoạt động như: kiểm tra để đảm bảo an toàn công trình trước thiên tai, hay là chúng ta có sơ tán dân và nhiều hành động khác nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng còn nhiều hành động sớm khác chưa từng tiến hành tại Việt Nam, ví dụ như cứu trợ sớm trước thiên tai. Về điều này, một số quốc gia khác đã làm và hiệu quả của cứu trợ sớm bao giờ cũng đạt được những hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc đi khắc phục hậu quả.

Việt Nam lần này cũng đưa ra vấn đề này và nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia. Tất các các quốc gia đều thấy vấn đề mà Việt Nam đưa lên như vậy là chính xác và Tuyên bố Hạ Long nhấn mạnh vào việc tăng cường hệ thống quản lý rủi ro thiên tai để thực hiện các hành động sớm, đặc biệt là xây dựng 3 trụ cột chính trong khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai.

Cụ thể, thứ nhất, các quốc gia ASEAN thống nhất cần phải cải thiện hệ thống thông tin về rủi ro thiên tai, dự báo và cảnh báo sớm ở cấp khu vực và cấp quốc gia. Thứ hai, trong Tuyên bố Hạ Long nhấn mạnh về việc tăng cường việc lập kế hoạch, vận hành và thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai ở cấp khu vực và cấp quốc gia. Thứ ba là khuyến khích thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn nhằm thực hiện hành động sớm trong quản lý thiên tai.

PV: Mặc dù so với các địa phương khác, TP. Hà Nội ít xảy ra thiên tai hơn, tuy nhiên, TP. Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai như: mưa lớn, ngập lụt, lũ trên hệ thống sông; dông lốc sét, nắng nóng,…Vậy xin ông Nguyễn Duy Du cho biết, đối với TP. Hà Nội, để hưởng ứng năm Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, nhất là hưởng ứng chủ đề “từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu” với thiên tai, trong thời gian qua và năm 2023, TP. Hà Nội đã có những hoạt động như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Du: So với các tỉnh, thành phố khác, năm 2023, TP. Hà Nội ít chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai và đặc biệt là so với các tỉnh, thành ven biển. Tuy nhiên, với tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội cũng như là tinh thần của năm 2023, Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã được các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Để qua đó, làm nổi bật ý nghĩa của chủ đề năm nay là từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu với thiên tai. TP. Hà Nội đã triển khai rất nhiều nhóm hoạt động, những hành động để phòng ngừa, hành động sớm và triển khai thực hiện trong năm vừa qua, có thể kể đến 4 nhóm vấn đề.

Thứ nhất là công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023, ngay sau khi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổng kết, TP. Hà Nội cũng tổ chức triển khai tổng kết trên toàn địa bàn thành phố và tổng kết trên 30 quận, huyện về công tác phòng chống thiên tai, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023.

Thứ hai là chúng tôi chỉ đạo các cấp, các ngành cũng như các quận, huyện thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh những kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai đối với từng cấp, ngành để làm sao phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương và đáp ứng yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”, nguyên tắc trong phòng chống thiên tai. Có thể kể đến kế hoạch phòng chống úng ngập nội thành cũng như là các phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, chúng tôi đã triển khai chỉ đạo trên toàn địa bàn thành phố.

Nhóm nội dung thứ ba là chúng tôi tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như là diễn tập, tập huấn trên thực địa, làm sao nâng cao được nhận thức, nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai đối với toàn thể nhân dân, cũng như lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở. Trong nhóm thứ ba này, chúng tôi cũng đã triển khai chi tiết các hoạt động như là hưởng ứng Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5); Ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13/10),…

Thứ nữa là chúng tôi thường xuyên đăng tải thông tin trên các phương tiện truyền thông từ địa bàn cấp xã, đài truyền thanh cấp xã cũng như ứng dụng mạng xã hội, zalo,…để làm sao tuyên truyền đến bà con và toàn thể các lực lượng tham gia xung kích phòng chống thiên tai ở cấp cơ sở.

Đồng thời, chúng tôi cũng thường xuyên cấp phát các ấn phẩm, tờ rơi,…đến toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền để hướng dẫn đối với từng loại hình thiên tai. Song song với đó, chúng tôi tổ chức tập huấn diễn tập để làm sao khi có tình huống thiên tai xảy ra không bị lúng túng.

Về hành động sớm, chúng tôi đầu tư xây dựng những công trình phòng chống thiên tai. TP. Hà Nội đã thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng những công trình phòng chống thiên tai để làm sao có kế hoạch đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp những công trình này để đảm bảo chức năng, công năng để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

PV: Như ông Nguyễn Duy Du vừa trao đổi, TP. Hà Nội đã có rất nhiều những hoạt động để phòng ngừa, ứng phó sớm với thiên tai và mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Vậy theo ông, hiện nay, thành phố đang gặp những khó khăn gì trong công tác phòng ngừa, ứng phó sớm với thiên tai?

Ông Nguyễn Duy Du: Hiện nay, Hà Nội cũng xác định còn một số các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, ứng phó sớm với thiên tai.

Thứ nhất là tình hình thời tiết, thiên tai có những diễn biến bất thường, cực đoan, khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến công tác dự báo, cảnh báo cũng như là công tác ứng phó với thiên tai.

Thứ hai là công tác xử lý và giải tỏa vi phạm còn nhiều khó khăn. Những vi phạm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống thiên tai. Ví dụ như công trình bị vi phạm sẽ ảnh hưởng đến việc thoát lũ cũng như ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều.

Thứ ba là một số quận, huyện vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai. Lâu nay, có một số quận, huyện, địa phương chủ quan cho rằng đã có các hồ thủy điện rồi thì ở Hà Nội không có lũ. Tôi cho rằng, đây là tư tưởng chủ quan của các địa phương dẫn đến các địa phương chỉ đạo chưa được sát sao, vẫn còn lơ là trong việc lập phương án, lập kế hoạch đối với ứng phó với thiên tai.

Hà Nội là thành phố có địa bàn rất rộng, có hơn 626km đê được phân cấp và hơn 144km đê chưa được phân cấp - khối lượng km đê lớn nhất cả nước, về mặt thủy lợi thì cũng có hệ thống thủy lợi lớn nhất cả nước. Nhu cầu cải tạo sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai là rất lớn, tuy nhiên nguồn lực hạn chế nên chúng tôi đã huy động rất nhiều nguồn lực, từ nguồn lực của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, của thành phố, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

PV: Xin được quay trở lại với bà Đoàn Thị Tuyết Nga, thưa bà, đối với việc triển khai Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế và quản lý thiên tai, theo bà, Việt Nam còn gặp những khó khăn gì trong triển khai Tuyên bố trên và Việt Nam cần có những giải pháp như thế nào để hiện thực hóa Tuyên bố này?

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga: Việt Nam trong những năm qua đã rất nỗ lực để có thể thay đổi nhận thức của cộng đồng cho đến các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, nhân lực, tài chính cho các lực lượng phòng chống thiên tai các cấp,…

Cũng trong thời điểm này, chúng ta có khá nhiều thách thức để triển khai Tuyên bố Hạ Long, đó chính là kiến thức, kỹ năng phòng ngừa với thiên tai chưa đáp ứng được so với các yêu cầu đặt ra.

Thứ nữa là thiếu cơ sở dữ liệu lớn. Bởi ứng phó với thiên tai thì cơ sở dữ liệu lớn là một đòi hỏi rất quan trọng để đưa ra được các quyết định chính xác. Tiếp đó là cảnh báo sớm, rồi chúng ta còn gặp khó khăn về tài chính và cơ chế giải ngân cho các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai. Và chúng ta cũng thiếu cơ sở pháp lý để triển khai cơ chế hành động sớm. Đây là một trong những yêu cầu mới và khá là thách thức của Việt Nam.

Theo tôi, để có thể thực hiện Tuyên bố này, Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác nói chung sẽ phải tập trung vào các vấn đề chính, đầu tiên là tăng cường hệ thống thông tin về rủi ro thiên tai, dự báo và cảnh báo sớm.

Thứ hai là tăng cường lập kế hoạch và vận hành, thực hiện các hành động sớm phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cấp quốc gia, cũng như là cấp khu vực, địa phương.

Thứ ba để chủ động ứng phó với thiên tai, thì chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố của ASEAN đó là “một ASEAN, một ứng phó”.

Bên cạnh đó, phải chuẩn bị các cơ chế tài chính cho hành động sớm, cứu trợ sớm trước thiên tai. Thực tế ở Việt Nam chúng ta chưa có cơ chế cứu trợ sớm trước thiên tai và chúng ta cần phải có các cơ chế này.

Cuối cùng, đó là cần tăng cường nhận thức cho cộng đồng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Hơn ai hết tự bản thân mình, tự cộng đồng mới có thể đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, cho cộng đồng mình trong những tình huống cấp bách. Theo tôi, nhận thức tốt hơn sẽ giúp đảm bảo về mặt tính mạng, sẽ an toàn hơn.

PV: Thực tế đã chứng minh, công tác phòng ngừa, ứng phó và hành động sớm trước thiên tai rất quan trọng. Vậy, ông Nguyễn Duy Du cho biết, trong thời gian tới, để hưởng ứng năm Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, đồng thời, để góp phần thực hiện thành công chủ đề của năm nay – “từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu” với thiên tai, TP. Hà Nội sẽ có những giải pháp như thế nào để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai?

Ông Nguyễn Duy Du: Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ triển khai một số các giải pháp sau đây:

Thứ nhất là chúng tôi sẽ thực hiện thường xuyên việc cập nhật, triển khai hiệu quả những chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, của các cấp chính quyền, cũng như triển khai các văn bản chỉ đạo của thành phố và của từng địa phương. Chúng tôi hiện nay đang thực hiện đề án 553 của Thủ tướng Chính phủ cũng như là Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chúng ta phải xây dựng dữ liệu lớn. Hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác phòng chống thiên tai là rất cần thiết để làm sao công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai được chính xác hơn, sớm hơn.

Giải pháp nữa là phát huy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, diễn tập để nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như của các lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở.

Thứ nữa là chú trọng kiểm tra, theo dõi, đánh giá hiện trạng công trình trước và sau mỗi mùa mưa lũ để có giải pháp xử lý giờ đầu đối với công trình bị thiên tai ảnh hưởng. Và cũng từ đó để tập trung chú trọng đầu tư xây dựng những công trình phòng chống thiên tai để phát huy tối đa hiệu quả của các công trình.

Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện quản lý tốt, sử dụng, bão dưỡng những vật tư, trang thiết bị phòng chống thiên tai để sẵn sàng ứng phó, để khi có tình huống xảy ra đáp ứng yêu cầu tại chỗ.

Ngoài ra, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp xã để công tác phòng ngừa, ứng phó được triển khai ngay từ cấp cơ sở trở lên.

Đây là các giải pháp mà TP. Hà Nội đã triển khai trong những năm qua, năm 2023 và các năm tiếp theo.

PV: Trân trọng cảm ơn bà Đoàn Thị Tuyết Nga và ông Nguyễn Duy Du!./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực