Để Tết gõ cửa tất cả mọi nhà

Thứ năm, 18/01/2018 10:46
(ĐCSVN) – Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đến thời điểm này, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn xã hội đang dành sự quan tâm đặc biệt để nhân dân ai cũng được đón một cái tết vui tươi, đầm ấm, nhất là các đối tượng chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng quà tết
cho các hộ nghèo Yên Bái. (Ảnh: TH)

Đất nước ta bước qua năm 2017 với nhiều thành tựu đáng mừng. Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao nhất trong nhiều năm qua, cũng là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều thành tựu kinh tế - xã hội khác cũng được đánh giá là những kỷ lục, kỳ tích mới như kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, số doanh nghiệp thành lập mới, dự trữ ngoại hối… Đối ngoại, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng cũng dành được những thành công lớn, kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nguồn lực đó đã góp phần chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội.

Tuy nhiên, đây cũng là năm tình hình thiên tai, mưa bão diễn biến phức tạp, dồn dập, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người dân nhiều tỉnh, thành phố, nhất là đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Với sự hỗ trợ của cả nước, các địa phương đã khắc phục với nỗ lực và quyết tâm vượt khó, không để người dân bị thiếu đói do ảnh hưởng của bão lũ; khống chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi... Nhưng trước hậu quả nặng nề của bão lũ, vẫn còn rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chưa thể gượng dậy được sau hậu quả bão lũ. Những người rơi vào hoàn cảnh khốn khó đó đang rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành.

Thấu hiểu điều đó, để chuẩn bị cho nhân dân đón mừng năm mới 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về việc tổ chức tết năm 2018. Trong chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai. Đồng thời tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai, bão lũ; tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng để phục vụ người dân vùng bão, lụt…

Theo dõi thông tin hoạt động của các ngành, địa phương trong những ngày gần đây, có thể thấy nội dung chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang được triển khai thực hiện rất cụ thể, chu đáo và có ý thức trách nhiệm.

Trên khắp cả nước, hàng loạt các hoạt động cũng đã, đang và sắp được tổ chức với mong muốn người người, nhà nhà đều có tết. Cụ thể, các địa phương đều có những biện pháp thiết thực chăm lo nhân dân đón Tết, như: tăng cường công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; chi trả lương, thưởng sớm để người lao động chủ động mua sắm tết; tổ chức thăm hỏi, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn; chỉnh trang đô thị…

Nhiều hoạt động vì biển đảo, vì người nghèo đang được Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành, các đoàn thể, các doanh nghiệp, cùng các tổ chức thiện nguyện triển khai như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức phát động nhắn tin ủng hộ chương trình “Tết Sum vầy cho công nhân lao động”; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động Chương trình Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, với mục tiêu có hai triệu suất quà Tết, gấp hai lần năm trước; chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đang được triển khai rộng khắp ở các địa phương; Tỉnh ủy Nghệ An quyết định không bắn pháo hoa chào năm mới để dành kinh phí chăm lo Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; tỉnh Hải Dương kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay ủng hộ, chia sẻ với hộ nghèo…

Tại Hội nghị tổng kết công tác Công đoàn năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã lưu ý Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phối hợp với các cấp các ngành, chăm lo Tết chu đáo cho công nhân, người lao động, không để bất cứ gia đình công nhân, người lao động nào vì bất kỳ hoàn cảnh, lý do gì không có cái Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm.

Trước đó, tại buổi làm việc hỗ trợ làm nhà ở đồng bào ủng thiên tại tỉnh Yên Bái, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Cứu trợ Trung ương Trần Thanh Mẫn khẳng định: Mặt trận tập trung chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, đặc biệt với những gia đình hết sức khó khăn. Tết phải gõ cửa tất cả mọi nhà.

Mùa xuân đã bắt đầu gõ cửa khắp nơi. (Ảnh minh họa: Thế Dương)

Mùa xuân gắn liền với sự sống. Để mùa xuân đến với tất cả mọi người, nhất là người nghèo, người yếu thế, các cấp, các ngành đặc biệt MTTQ các cấp cần chủ động hơn nữa trong các hoạt động vận động đóng góp, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và các hoạt động chăm lo Tết. Cần tiến hành khảo sát, nắm tình hình đối tượng và dự kiến mức trợ giúp cho phù hợp để bảo đảm sự công bằng, khách quan và thiết thực. Việc hỗ trợ cần công khai, rõ ràng và bảo đảm các suất quà Tết cần đến tận tay người cần hưởng, được hưởng. Vật chất tuy ít ỏi nhưng sẽ giúp người nghèo ấm lòng trong những ngày xuân.

Đặc biệt phải xử lý thật nghiêm các hành vi như tham nhũng, bớt xén nguồn lực giúp đỡ người nghèo gây mất lòng tin của nhân dân. Quan trọng hơn, phương thức hỗ trợ người nghèo cần tiếp tục được đổi mới theo hướng hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển các hình thức lao động, sản xuất, kinh doanh phù hợp để mọi người có thêm động lực để có thể vươn lên, tự chủ được cuộc sống của mình, để “không có ai bị bỏ lại phía sau”, như quyết tâm và hành động của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Như vậy, không chỉ mùa xuân mới gõ cửa tất cả mọi nhà, mà cả 4 mùa quanh năm người nghèo, người lao động, người yếu thế ai cũng có điều kiện để vươn lên tốt hơn trong cuộc sống./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực