|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: TL |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 23/7, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
75.000 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết: Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 giảm xuống còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới. Người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, khó khăn được chú trọng hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, hỗ trợ sinh kế, có việc làm, nâng cao thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam lần đầu tiên và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong điều kiện mới là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác.
Mục tiêu của Chương trình là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chương trình đặt chỉ tiêu đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500 nghìn hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo. Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho ít nhất 100.000 người lao động, trong đó có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn; khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục…
Cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững
Trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết: Một số dự án, tiểu dự án của một số Chương trình có sự trùng lặp về nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn do chưa làm rõ chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư. Việc Chương trình xây dựng nông thôn mới không đầu tư tại địa bàn đầu tư của Chương trình giảm nghèo bền vững có thể làm cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, các xã thuộc huyện nghèo khó đạt chuẩn nông thôn mới và mâu thuẫn với mục tiêu cụ thể của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nếu tách bạch nội dung chương trình nào dùng vốn chương trình đó và một địa bàn chỉ đầu tư một Chương trình sẽ dẫn đến một số nội dung đầu tư manh mún, nhỏ giọt không bảo đảm tính bền vững, kém hiệu quả, chậm đạt mục tiêu.
Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì các Chương trình phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình.
Tuy nhiên, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu sau khi Chương trình kết thúc để đánh giá tính bền vững của Chương trình./.