Đề xuất giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn

Thứ ba, 16/11/2021 17:01
(ĐCSVN) – Tại Hội thảo “Chính sách để cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn: Thực trạng và giải pháp”, các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận về thực trạng cấp nước sạch nông thôn, những bất cập và đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn; An ninh nguồn nước và quản lý rủi ro để đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn; Kinh nghiệm của Úc trong đảm bảo cấp nước an toàn và quản lý cấp nước sạch cho người dân…

Ngày 16/11 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ tổ chức Hội thảo “Chính sách để cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn: Thực trạng và giải pháp”.

Tầm quan trọng của nước sạch và vấn đề an ninh nguồn nước

Nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận. Nước là cần thiết cho sự sống nhưng khi bị biến đổi, ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người. Nước sạch không thể thiếu trong đời sống của con người, hàng ngày chúng ta sinh hoạt đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh,… Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để tạo ra các thực phẩm sạch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người.

Hiện nay, cấp nước an toàn khu vực nông thôn được nhà nước và nhân dân quan tâm. Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Sau 40 năm, từ khi được sự hỗ trợ của tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vào năm 1982, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 10% năm 1982) tăng lên gần 90% (2019), 51% sử dụng nước đạt QCVN02:2009/BYT. 44% dân số nông thôn (28,5 triệu người) được cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn (36,3 triệu người), sử dụng công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình.

Hội thảo “Chính sách để cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn: Thực trạng và giải pháp”

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành quyết định 1566 về “Chương trình quốc gia bảo đảm giai đoạn 2016-2025” nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để thực hiện quyết định 1566, chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã ban hành một số chính sách để chỉ đạo, thực hiện chương trình nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước và đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức UNICEF và các bộ, ngành Việt Nam đã rà soát và phân tích những rào cản về các chính sách đã chỉ rõ: Chính sách xây dựng chưa được phù hợp với điều kiện thực tế và chưa dựa trên số liệu của Bộ Chỉ số Theo dõi – Đánh giá, chưa có chương trình về xử lý, trữ nước hộ gia đình phù hợp với giá thành phù hợp cho người nông dân nông thôn. Chính sách chưa cụ thể cho vùng miền. Thiếu sự hướng dẫn về duy trì bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn hoặc quy định tính bền vững an toàn về dịch vụ, bao gồm khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, trách nhiệm giữa người sử dụng, nhà cung cấp dịch vụ và chính quyền chưa cụ thể...

Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp chính quyền cũng như người dân còn hạn chế. Nguyên nhân khiến việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn còn bất cập và nhiều hạn chế, là do nhiều hộ dân chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Kể cả những nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng mức tiêu thụ nước sạch đạt thấp do nhận thức chưa đầy đủ, bà con vẫn còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nước với đa phần giữ thói quen sử dụng nước giếng, nước khe suối trong sinh hoạt để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, ở một số địa phương có dự án cấp nước sạch do doanh nghiệp đầu tư, người dân phải chi trả phí đấu nối với số tiền lớn, nên nhiều hộ đã không mặn mà với sử dụng nước sạch.

Giải pháp nhằm đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn

Trong quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến nước và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những giải pháp nhằm đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp như: Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới và hải đảo; hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch, dịch vụ vệ sinh phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội.

Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát an ninh nguồn nước, an toàn cấp nước và vệ sinh nông thôn.

Thực hiện hoạt động giáo dục, truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách; thay đổi hành vi, thói quen; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước; hướng dẫn người dân chủ động tích, trữ nước để sử dụng trong mùa khô, thời gian hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt.

Sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước sạch tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ, gắn với hệ thống giám sát quản lý vận hành công trình.

Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung có quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.

Nhà nước ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo.

Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và các chương trình, dự án về nước sạch nông thôn.

Tổ chức quản lý vận hành công trình cấp nước sạch theo mô hình phù hợp, hoạt động hiệu quả, bền vững, hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình đảm bảo an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng dịch vụ. Thí điểm giao công ty khai thác công trình thủy lợi và tổ chức thủy lợi cơ sở tham gia quản lý vận hành công trình nước sạch.

Đảm bảo cấp bù giá tiêu thụ nước sạch theo quy định; thực hiện bù chéo chi phí trong quản lý vận hành công trình cấp nước; hỗ trợ kinh phí quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, bãi ngang, ven biển, biên giới và hải đảo.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, giải pháp cấp nước và vệ sinh thân thiện với môi trường, ưu tiên công nghệ đơn giản, giá thành phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, tận dụng nguyên vật liệu địa trong xây dựng công trình, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ quan và cảnh quan công trình.

Nghiên cứu và triển khai áp dụng công nghệ khử nước mặn, xử lý nước lợ thành nước ngọt; thu gom, xử lý và trữ nước mưa đảm bảo chất lượng; công nghệ xử lý nước hộ gia đình đảm bảo vận hành đơn giản, hiệu quả; khai thác sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, sóng, gió…trong sản xuất và cung cấp nước sạch nông thôn. Thiết lập hệ thống kiểm soát, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước sinh hoạt, kiểm soát ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt từ các hoạt động dân sinh và có phương án thay thế nguồn nước trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước hoặc nguồn nước bị thay đổi.

Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Tin, ảnh: HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực