Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tăng lương

Thứ tư, 26/06/2024 22:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị khi lương tăng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nghiên cứu; tăng lương lên 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50%.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH Quảng Nam. Ảnh: Hồ Long 

Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.

Thực hiện lộ trình tăng lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách là cần thiết

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước thận trọng, chắc chắn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách.

Đại biểu nhận thấy, từ thực tiễn chuẩn bị bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương còn bất cập do đưa phụ cấp công vụ 25% hiện nay vào bảng lương mới, dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng bình quân 23,5%, thấp so với viên chức tăng bình quân là 54,3% và của lực lượng vũ trang tăng trên 43%. Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30% và lực lượng vũ trang tăng 51,93%, đại biểu cho rằng, như vậy là chưa bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, chưa phù hợp với bảng lương mới theo dự kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc tính lương theo vị trí, việc làm cần phải sửa đổi rất nhiều quy định về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành. Đồng thời cần phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới. “Khi bỏ phụ cấp nghề thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành, họ rất tâm tư khi không còn phụ cấp nữa. Có nhiều trường hợp phụ cấp rất cao nhưng khi sắp xếp theo mức lương mới thì sẽ bị giảm rất nhiều, nhất là ở vùng cao, vùng khó khăn. Đây là những vấn đề rất khó và phức tạp. Mặc dù hiện nay nhiều bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm, nhưng theo báo cáo còn chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa được tương đồng với nhau”, đại biểu nêu rõ.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng thuận việc Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách là rất cần thiết.

Quan tâm đến kiểm soát giá và cung cầu hàng hóa

Nêu thực tế trước khi tăng lương giá cả đã tăng nên cần có giải pháp bình ổn giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH Quảng Nam cho biết, hiện nay, lương chưa tăng mà đã có một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá rất nhiều lần. Đại biểu lưu ý cần khống chế việc tăng giá theo tâm lý, lợi dụng tăng lương để tăng giá.

Đại biểu này cũng lưu ý, khi lương tăng cần quan tâm đến thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nghiên cứu. “Khi tăng lương lên 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% thì mới hợp lý”, đại biểu cho hay.

Để hạn chế ảnh hưởng của tăng lương cơ sở đến tình hình lạm phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị, chính sách tiền tệ cần chủ động linh hoạt, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá. Không điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh cùng một lúc và phải cách xa ngày 1/7/2024; chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm cung hàng hóa không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các ý kiến của các đại biểu phản ánh đa dạng, sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm với tinh thần xây dựng cao, cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ về cải cách tiền lương, về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp chính sách người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, các đại biểu đã nêu lên một số hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 3668 phát hành ngày 26/6 để giải trình các nội dung liên quan đến cải cách chính sách tiền lương…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn về vấn đề này để thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW cũng như các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, việc tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, đến cung cầu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu; đồng thời, công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp thực sự khả thi để thực hiện triệt để nội dung này./.

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực