Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 15/11/2017 11:46
(ĐCSVN) – Biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng trong vài năm trở lại đây đã làm thiệt hại lớn đến nền kinh tế và đảo lộn cuộc sống của người dân ở khu vực này.

Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Hạn hán kéo dài khiến rất nhiều diện tích đất ở Đồng bằng sông Cửu Long không thể canh tác được
(Ảnh: K.V)

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có địa hình thấp, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp là hai lĩnh vực kinh tế chính, trong sản xuất nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng lúa, 60% sản lượng thủy sản và 75% sản lượng trái cây của cả nước. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long lệ thuộc rất lớn vào nguồn nước, cho nên nước gắn liền với sinh kế của người dân trong vùng này. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, khoảng 35% dân số của vùng, tương đương gần 6,3 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, những thay đổi nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông hay những tác động khác của biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, nước biển dâng, lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn và xói lở đất..., đã làm cho khu vực này đứng trước rất nhiều nguy cơ và thách thức. Kết quả nghiên cứu của các tổ chức trên thế giới, dự báo nhiệt độ trung bình đến năm 2030 của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt mức 35 đến 37 độ C so với 33 đến 35 độ C trong những năm 1980; số ngày nắng trong năm tăng lên 180-240 ngày so với trên dưới 120 ngày của những năm 1980. Thay vì lũ đạt đỉnh vào tháng 10 âm lịch hàng năm và năm nào cũng lặp lại, thì gần đây đã thay đổi, nhiều năm không có lũ, rồi đột ngột lại xuất hiện lũ.

Cùng với đó, hiện tượng xâm nhập mặn cũng đã thay đổi, từ chỗ nước mặn chỉ quanh quẩn ở ven biển vào những năm 2005 thì đến năm 2010 mặn đã xâm nhập (nồng độ 2 gam/lít) sâu vào nội đồng đến 70 km, tính từ cửa biển. Có thể thấy rất rõ, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng… đang không ngừng gia tăng tại nhiều tỉnh/thành phố. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, ảnh hưởng của những hiện tượng thời tiết cực đoan này lại càng nghiêm trọng.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, ở Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính hàng trăm nghìn ha đất bị ngập, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa nếu nước biển dâng cao. Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe dọa tới an ninh lương thực của quốc gia. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Cá nước ngọt sẽ suy giảm vì diện tích đất đồng bằng và dòng sông nhiễm mặn gia tăng. Các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản đang bị xâm lấn. Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu.

Dự kiến sẽ có sự dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía bắc và phía tây (như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An...). Điều này khiến các quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thử thách, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số. Thực tế cho thấy, mùa khô năm 2016, mặn đã xâm nhập sâu đến 90 km vào các tỉnh/thành ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích khoảng 300.000 ha. Nếu tình trạng hạn - mặn tiếp tục diễn ra như năm 2016 thì diện tích các vùng trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, làm giảm năng suất và sản lượng.

Theo GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, ngoài các yếu tố ảnh hưởng đối với cây lúa, nuôi trồng thủy sản…, khi mực nước biển dâng còn làm hệ thống đê biển hiện tại có nguy cơ tràn và vỡ ngay cả khi không có các trận bão lớn. Ngoài ra, do mực nước biển dâng cao làm chế độ dòng chảy ven bờ thay đổi sẽ gây xói lở bờ. Đối với hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao, mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước các con sông dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ làm cho đỉnh lũ tăng thêm, uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê sông ở các tỉnh phía bắc, đê bao và bờ bao ở các tỉnh phía nam. Biến đổi khí hậu cũng làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại “thiên địch”. Trong thời gian 2 năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa. Biến đổi khí hậu có thể tác động đến thời vụ canh tác lúa, làm thay đổi cấu trúc mùa vụ, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng.

Ông Trần Thanh Nhã, người dân xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết, thời gian gần đây, hầu như năm nào, khu vực này cũng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, gần đây, tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn do nắng nóng kéo dài. Các hộ dân ở đây phải đổi nước để sử dụng với giá rất cao, nước sinh hoạt dùng rất tiết kiệm, tận dụng nước tối đa, vừa tắm, vừa dùng để tưới rau hoặc giặt đồ. Bên cạnh đó, vụ lúa năm 2016, gia đình sản xuất 0,5ha nhưng do nắng nóng, xâm nhập mặn nên hầu như mất trắng, lỗ mấy chục triệu đồng.

Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khiến các vườn cây ăn trái ở ĐBSCL thiệt hại nặng nề
(Ảnh: K.V)

Có thể thấy, một trong những thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua là xâm nhập mặn và sạt lở đất, vỡ đê, kè. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786 km. Tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng phức tạp. Nghiêm trọng hơn là tốc độ xói lở đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 300ha/năm. Nhiều địa phương có diện tích sạt lở đáng báo động như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang…

Tại tỉnh Bạc Liêu, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng tăng. Đầu năm 2017, kè Gành Hào (huyện Đông Hải) bị sạt lở với chiều dài 94m, diện tích sạt lở 940m2, hành lang sau tường kè bị sụp 393m2; dầm đỉnh kè bị gãy hoàn toàn với chiều dài 47m, gây nguy cơ vỡ đê kè rất cao. Sóng biển mạnh đánh tràn qua thân kè gây ngập khá nghiêm trọng, uy hiếp hơn 1.000 hộ dân sinh sống trong khu vực kè…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 0,5°C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai có xu hướng gia tăng về tần số lẫn cường độ. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai, bão lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng từ 2 - 3°C, nước biển dâng thêm 78 - 100cm. Nếu mực nước biển dâng 100cm, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 35% dân số bị ảnh hưởng và nguy cơ mất 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.

Trong đợt triều cường đầu tháng 10/2017 vừa qua, các tỉnh như Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, TP.Cần Thơ… bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ở Bạc Liêu, mực nước triều cường vượt báo động III ở trạm Gành Hào (huyện Đông Hải) là 2,15m. Các tuyến đường ven sông, các tuyến cao trình thấp ở TP.Bạc Liêu như đường Cao Văn Lầu, Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu… bị ngập cục bộ. Trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc phường 1, phường Hộ Phòng, Phường Láng Tròn (TX.Giá Rai), khu vực gần thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) bị ngập nặng.

Có thể thấy, tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Để đối phó với các hiểm họa nước biển dâng, Việt Nam đã triển khai xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để kiểm soát, giảm thiệt hại do nước dâng. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu chung của cả đồng bằng. Bạc Liêu cũng có 4 kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản này, nếu mức nước biển dâng từ 0,3 - 1m thì có hơn 69% diện tích tự nhiên của tỉnh bị ảnh hưởng. Tuy các kịch bản chỉ mang tính dự báo, song những điều đang diễn ra cho thấy những dự báo hoàn toàn có thể xảy ra và mức độ có thể còn nguy hiểm hơn./….

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực