Đồng hành chăm sóc, giáo dục để trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

Thứ ba, 02/04/2024 21:38
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCVN) - Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được các nhà trường, các trung tâm giáo dục chuyên biệt, hòa nhập… cùng các bậc phụ huynh và đoàn thể ở địa phương tổ chức trong ngày 2/4 là ngày Thế giới Nhận thức về tự kỷ. Qua đó, mong muốn cộng đồng có cái nhìn tích cực, dang rộng vòng tay yêu thương chăm sóc, giáo dục để trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng.
Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức trong ngày 2/4 là ngày Thế giới Nhận thức về tự kỷ.  

Ngày từ năm 2008, Liên hợp quốc đã chọn ngày 2/4 hàng năm là ngày Thế giới Nhận thức về tự kỷ nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về rối loạn phổ tự kỷ.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, cứ 160 người thì có 1 người mắc hội chứng tự kỷ (Autism). Còn ở nước ta hiện có trên 200.000 người mắc chứng tự kỷ.

Khi một đứa trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, điều đầu tiên mà cha mẹ thường trải qua là sốc và phủ nhận. Đây là một phản ứng tự nhiên bởi không ai mong muốn con mình phải đối mặt với những thách thức và hạn chế của rối loạn này. Tuy nhiên, việc chấp nhận sự thật và bắt tay hành động để hỗ trợ con là bước quan trọng trong quá trình can thiệp sớm hiệu quả.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, trong 30 năm gần đây, tỷ lệ mắc chứng tự kỷ có xu hướng tăng cao. Cụ thể, vào năm 2020, cứ 54 trẻ em được sinh ra thì có 1 em mắc chứng tự kỷ. Dự kiến, trong 10 năm tới, sẽ có khoảng 700.000 đến 1.000.000 người tự kỷ bước vào giai đoạn trưởng thành.

Tại Việt Nam, trong 10 năm, từ 2009 đến 2019, số người tự kỷ đã tăng từ 200.000 lên khoảng 1.000.000 người, tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính bằng 1% số trẻ được sinh ra.

Thống kê cũng cho thấy, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người tự kỷ trưởng thành có thể sinh sống độc lập. Trong khi đó, gần 50% số người tự kỷ có thể chăm sóc bản thân cơ bản nhưng vẫn cần sống cùng gia đình và hơn 50% người phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình trong các công việc chăm sóc cá nhân cơ bản nhất.

Ngày 2/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.

Ở nước ta hằng năm đều diễn ra nhiều hoạt động thiết thực để giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng về tự kỷ, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can thiệp sớm - cách hiệu quả nhất để giúp trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng hòa nhập. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Quốc hội xem xét, sớm đưa vào chương trình xây dựng dự án luật để đảm bảo quyền lợi của trẻ tự kỷ ở mức cao nhất. Bộ cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có quy định rõ ràng, phù hợp với trẻ tự kỷ để cho các em có cơ hội tiếp cận giáo dục hòa nhập; quy định về đội ngũ giáo viên đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, trang thiết bị cũng như các điều kiện để có chính sách ưu tiên riêng cho trẻ tự kỷ.

Việc hỗ trợ trẻ tự kỷ đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết và tình yêu thương từ phía cha mẹ, gia đình. Cùng chung tay với các gia đình trong hành trình này rất cần cộng đồng, các tổ chức, cá nhân sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích. Điều quan trọng là gia đình luôn đồng hành, tin tưởng vào khả năng của con, giúp còn vượt qua mọi thử thách để con có tương lai hạnh phúc, tốt đẹp nhất.

Hoạt động đi bộ tập thể "Bước chân đồng hành" nhằm giúp mọi người có sự nhìn nhận chính xác hơn, cụ thể hơn, thấu hiểu hơn về chứng tự kỷ được tổ chức diễn ra ngày 2/4, tại Khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội).

Năm nay, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được các nhà trường, các trung tâm giáo dục chuyên biệt, hòa nhập… cùng các bậc phụ huynh và đoàn thể ở địa phương tổ chức trong ngày 2/4 như tổ chức các buổi meeting, giao lưu văn hóa văn nghệ, team building… hướng tới việc cải thiện sức khoẻ và nâng cao nhận thức của mọi người về chứng tự kỷ.

Tại Hà Nội, một trong những sự kiện nổi bật nhân ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ là hoạt động đi bộ tập thể "Bước chân đồng hành" với sự tham gia của đông đảo phụ huynh và học sinh trên địa bàn thủ đô. Hoạt động nhằm giúp mọi người có sự nhìn nhận chính xác hơn, cụ thể hơn, thấu hiểu hơn về chứng tự kỷ, từ đó có sự tôn trọng yêu thương và đồng hành cùng những người tự kỷ đúng cách.

Thông qua hoạt động, những người tổ chức chương trình mong muốn cộng đồng có cái nhìn tích cực, dang rộng vòng tay yêu thương của mình ra để "nếu không thể ôm lấy những trẻ tự kỷ vào lòng thì cũng có thể chỉ đường hoặc dắt những em bé ấy đi một đoạn trên con đường hoà nhập với xã hội".

Tin, ảnh: Hoài Đảm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực