Đồng Nai chọn phương án thực hiện cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành

Thứ hai, 06/05/2024 16:59
(ĐCSVN) - Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai lựa chọn phương án Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản, VEC làm chủ đầu tư cho dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành (thuộc cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) với quy mô 10 làn xe.
 Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ được nâng cấp mở rộng lên 10 làn xe trong thời gian sắp tới.

Ngày 6/5, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị lựa chọn phương án mở rộng dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành (thuộc cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) với quy mô 10 làn xe.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tháng 4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến về báo cáo phương án đầu tư mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Long Thành).

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cuối năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo Chính phủ phương án đầu tư mở rộng Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành (thuộc cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây). Qua nghiên cứu, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất 2 phương án nâng cấp mở rộng đoạn tuyến nêu trên, cụ thể: Phương án 1 (do VEC làm chủ đầu tư) đoạn tuyến được mở rộng từ Km4+00 đến Km25+920 với tổng chiều dài gần 22km, quy mô 8 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần 10 làn xe; phương án 2 (Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản, VEC làm chủ đầu tư), phạm vi thực hiện giữ nguyên như phương án 1, nhưng đoạn từ Km4 đến Km8+770 sẽ được đầu tư theo quy mô 8 làn xe, đoạn từ Km8 đến Km25+990 đầu tư 10 làn xe.

Lý giải về việc chọn phương án 2, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, phương án 2 có tổng mức đầu tư tăng không nhiều so với phương án 1 (khoảng 1.300 tỷ đồng, tương đương hơn 8% tổng mức đầu tư). Việc đầu tư một lần theo quy hoạch sẽ mang lại nhiều lợi ích, tăng hiệu quả khai thác, tránh được tình trạng đầu tư nhiều lần làm tốn thời gian và ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của các phương tiện.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với phương án 1, tổng mức đầu tư dự án hơn 14.300 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu của VEC và vốn vay thương mại. Phương án 2 có tổng mức đầu tư trên 15.600 tỷ đồng; trong đó, có 9.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, số còn lại do VEC huy động.

Do khó khăn về nguồn vốn ngân sách Nhà nước cũng như chi phí đầu tư nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án 1 khi thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành.

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 55km, quy mô 4 làn xe, được đưa vào khai thác năm 2016. Những năm gần đây, tuyến đường này đã trở nên quá tải trầm trọng, thường xuyên xảy ra ách tắc. Yêu cầu nâng cấp, mở rộng cao tốc trở nên rất cấp bách, đặc biệt là đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Long Thành.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực