Đồng Nai nỗ lực đảm bảo an toàn hành lang giao thông đường sắt

Thứ sáu, 08/09/2017 09:57
(ĐCSVN) – Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, tuyến đường sắt chạy qua tỉnh này dài trên 87 km, thời gian qua có rất nhiều đường ngang tự phát do người dân mở băng qua đường sắt, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng cho ngành đường sắt và người dân khi tham gia giao thông.
Đường ngang có người cảnh báo trên địa bàn TP.Biên Hòa - Đồng Nai (Ảnh: K.V)

Theo đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn chạy qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 87,5 km với 12 ga - bắt đầu từ ga Gia Huynh tại điểm giáp ranh 2 xã Xuân Thành và Xuân Hòa, thuộc huyện Xuân Lộc, chạy dọc theo hướng Quốc lộ I qua Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất và thành phố Biên Hòa, kết thúc đoạn qua Đồng Nai tại Cầu Hang, xã Hóa An, thành phố Biên Hòa.

Trên cung đường này, hiện có rất nhiều vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt có mật độ xe cộ qua lại đông đúc, nhiều chỗ mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, việc kẹt xe thường xuyên tại những nơi này còn khiến các phương tiện lưu thông khó khăn, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Đó là là khu vực giao cắt giữa đường Điểu Xiển với đường sắt, đoạn qua phường Long Bình, TP.Biên Hòa, bởi nơi đây lúc nào cũng có xe container vào ra, dẫn đến tình trạng ách tắc xảy ra liên tục. Kể từ khi đường Điểu Xiển được nâng cấp, mở rộng, mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện lưu thông để ra vào Ga Hố Nai và Khu công nghiệp Hố Nai (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), trong đó xe container và xe tải nặng đi lại khá nhiều. Điều này tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao, khi những xe nói trên đi ngang qua đường sắt.

Tại km1684+780 giao với đường Yên Thế, trên địa bàn xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, cũng thường xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Vào các khung giờ từ 7 giờ đến 8 giờ và từ 17 giờ đến 18 giờ, công nhân tập trung về đông đúc cộng với lượng xe tải, xe container nhiều nên đã gây ra tình trạng tắc đường kéo dài.

Hay như ở khu vực phường Tân Hiệp, trên địa bàn khu phố 3, chỉ một đoạn chưa đến 300 m đã có hai lối mở qua đường sắt, lối mở nhỏ, đường dốc nên rất nguy hiểm khi các phương tiện băng qua. Ông Nguyễn Văn Hội, người dân khu phố 1 phường Tân Hiệp cho biết, khu vực này, hầu như năm nào cũng có tai nạn do đường sắt không có cảnh báo.

Theo thống kê của Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện có trên 2,3 nghìn hộ dân vi phạm lấn chiếm hành lang đường sắt ở Đồng Nai, trong đó các vi phạm chủ yếu gồm xây dựng nhà ở và công trình phụ ngay hành lang đường sắt. Ngoài ra, có những địa điểm họp chợ gây mất an toàn giao thông đường sắt như km1648 +780 thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom và đường ngang km1648 +300 thuộc địa phận TX.Long Khánh.

Rất nhiều nơi, người dân tự ý mở ngang đường sắt để dễ dàng cho việc đi lại. Một số vị trí nằm sát đường sắt vốn không có hàng rào, hành lang bảo vệ, người dân chỉ cần kê vài cục đá hay tấm ván đã có thể đi lại. Đoạn khác nếu có rào chắn, người dân tự làm thang mở lối qua đường sắt. Nghiêm trọng hơn, có đoạn đường ngang bất hợp pháp đã được ngành chức năng xóa bỏ bằng cách dựng hàng rào bê tông nối với nhau bằng các thanh sắt chắc chắn đã bị người dân đập bỏ để đi qua cho tiện.

Cũng theo thống kê của ngành chức năng, trên tuyến đường sắt qua Đồng Nai có 57 đường ngang hợp pháp và 66 lối đi dân sinh băng qua đường sắt. Trước tình hình này, tỉnh Đồng Nai và ngành đường sắt đã thống nhất sẽ xây hàng rào để tiến đến xóa bỏ hoàn toàn 54 đường ngang dân sinh; đồng thời giữ lại 12 đường dân sinh và cử người chốt gác tại các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc và TP.Biên Hòa. Cùng với việc xây hàng rào, ngành chức năng cũng hướng dẫn người dân di chuyển qua đường sắt tại các đường ngang hợp pháp. Đối với một số người sống bên đường tàu, điều này gây bất tiện, song đây là việc cần thiết, đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng. Để người dân không tiếp tục mở đường ngang trái phép, Đồng Nai sẽ đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông để người dân hiểu và tuân thủ.

Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết đơn vị sẽ cùng ngành đường sắt khắc phục các vị trí mất an toàn tại những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đồng thời tiến hành kẻ gờ giảm tốc, gắn biển cảnh báo. Một số vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông sẽ kiến nghị nâng cấp từ hình thức cảnh báo tự động lên cảnh báo có người gác. Thời gian qua TP. Biên Hòa  đã có 4 vị trí có người cảnh giới tại các điểm giao cắt và tại các điểm này không xảy ra tai nạn giao thông. Ông Nông Văn Ất, một thành viên trong đội gác chắn đường sắt ở khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa cho biết, tổ gác chắn gồm 6 thành viên, trực 24/24h, các thành viên được phường chi trả 3,5 triệu/người/tháng, bằng nguồn ngân sách của địa phương. Theo ông Ất, từ khi có người gác cảnh báo, tại khu vực này đã không xảy ra tai nạn giao thông như trước đó nữa.

Mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cũng đã khởi công xây dựng và lắp đặt hàng rào hộ lan can nhằm bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam từ km1684+150 đến 1687+150, đoạn qua 2 ấp Ngũ Phúc và Thái Hòa thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. Việc lắp đặt các hạng mục hành lang an toàn đường sắt sẽ giúp xóa bỏ các đường dân sinh do dân tự mở trái phép qua đường sắt, gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt, đường bộ, xóa bỏ các điểm đen luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông giao cắt với đường bộ tại khu vực này. Đồng thời hàng rào hộ lan sẽ giải quyết tình trạng tái lấn chiếm sử dụng hành lang an toàn giao thông đường sắt xây dựng các công trình lều quán, nhà tạm…

Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết thêm, đơn vị sẽ cùng ngành đường sắt khắc phục các vị trí mất an toàn tại những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đồng thời tiến hành kẻ gờ giảm tốc, gắn biển cảnh báo. Một số vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông sẽ kiến nghị nâng cấp từ hình thức cảnh báo tự động lên cảnh báo có người gác, nhất là tại khu vực huyện Trảng Bom, Thống Nhất…

Ngoài ra,  để tránh tình trạng kẹt xe cũng cần phải hạn chế các loại xe container, xe tải tại những vị trí giao cắt quan trọng giữa đường sắt và đường bộ vào ra khu vực đông dân cư, khu công nghiệp vào giờ cao điểm. Điều này hết sức cần thiết, bởi nếu xảy ra sự cố ùn tắc rất khó giải quyết kịp thời vì lượng người và phương tiện vào thời điểm này rất đông trên đường./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực