Đồng Tháp phấn đấu đưa từ 1.500 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài

Thứ tư, 30/11/2022 20:10
(ĐCSVN) - Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phấn đấu đưa từ 1.500 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, ra ngoài làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại.
 Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng phát biểu tại hội nghị.

Ngày 30/11, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Đầu năm 2022, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện từ tháng 3 và kết quả đạt được ngoài mong đợi khi vượt chỉ tiêu 18% so với kế hoạch đề ra. Lao động Đồng Tháp đến làm việc nhiều nhất tại Nhật Bản (1.679 lao động), kế đến là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quóc). Ngành nghề chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, trang trí nội thất, cơ khí, công nghệ ô tô, chế biến thực phẩm, điện tử, điều dưỡng... Ước tính nguồn thu nhập bình quân của lao động gửi về gia đình mỗi năm trên 1.500 tỷ đồng.

Để hỗ trợ người lao động, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã chi hơn 7,4 tỷ đồng để người lao động làm chi phí học ngoại ngữ, học nghề, khám sức khỏe; hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho 1.676 lao động vay tín chấp, với tổng số tiền 109,7 tỷ đồng.

Trong năm, có 1.475 lao động về nước sau khi hết hạn làm việc ở nước ngoài. Qua khảo sát, có 1.113 lao động lập nghiệp tự tạo việc làm cho bản thân hoặc làm việc cho các công ty của nước ngoài mà người lao động đã làm việc đang đầu tư tại Việt Nam, 362 lao động tiếp tục quay trở lại nước sở tại để làm việc theo hợp đồng.

Năm 2023, Đồng Tháp tiếp tục phấn đấu đưa từ 1.500 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, ra ngoài làm việc bất hợp pháp tại nước sở tại.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cùng với số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần quan tâm đến số lượng lao động hết hạn hợp đồng trở về nước, đào tạo nghề khi người lao động có nhu cầu để tiếp tục có việc làm tốt hơn. Các doanh nghiệp có giải pháp để giảm bớt chi phí, giúp người lao động có thêm cơ hội làm việc ở ngoài nước.

Đồng chí Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao Bằng khen cho các doanh nghiệp tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 246-KL/TU Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2205.

Phải đánh giá nguyên nhân vì sao chưa đạt chỉ tiêu đề ra; Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài; chú trọng giáo dục định hướng, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho người lao động.

Đồng chí Phan Văn Thắng đề nghị các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tuyển dụng, mở rộng thị trường, ngành nghề, nhất là ngành nghề có trình độ kỹ thuật cao; cần thiết đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế chính sách mới hỗ trợ người lao động cho phù hợp với nhu cầu. Các doanh nghiệp tiếp tục khẳng định uy tín, thương hiệu trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo niềm tin cho người lao động.

Dịp này, có 19 tập thể và 19 cá nhân, trong đó có 07 tập thể và 07 cá nhân ngoài tỉnh nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện phong trào thi đua “Thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022”.

Tin, ảnh: Nguyệt Ánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực