Giải pháp về phát triển giao thông xanh tại TP Hồ Chí Minh

Thứ năm, 22/08/2024 22:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp về phát triển giao thông xanh, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV) 

Chiều 22/8, HĐND TP Hồ Chí Minh phối hợp Viện nghiên cứu phát triển Thành phố và Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TP Hồ Chí Minh”.

Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp về phát triển giao thông xanh, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, thông qua việc đề xuất các giải pháp mang tính khả thi về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế xanh; đề xuất, hiến kế chính sách và giải pháp để Thành phố đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tập trung giới thiệu những chính sách phát triển giao thông bền vững của các thành phố lớn trên thế giới, giải pháp chuyển đổi giao thông xanh; quy hoạch phát triển giao thông xanh tại Thành phố. Cùng với đó là các giải pháp chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu khí thải, tiết kiệm năng lượng trong giao thông đô thị; các vấn đề về sử dụng xe điện trong giao thông đô thị; kinh nghiệm xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi giao thông vận tải xanh tại đô thị… 

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, Thành phố hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào Thành phố. Mỗi năm Thành phố phát thải khoảng 35 triệu tấn các bon, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Trưởng khoa Vận tải – Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, số lượng phương tiện giao thông sử dụng chủ yếu là diezel, đây là nguồn khí thải lớn gây ô nhiễm không khí, chưa kể việc sử dụng nhiên liệu đốt khác; nhiều loại phương tiện giao thông có chất lượng kém vẫn đang lưu hành dẫn đến thải lượng ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải đang có xu thế gia tăng.

Để giảm ô nhiễm môi trường bằng việc thúc đẩy sử dụng xe điện cá nhân, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng cần nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển xe điện có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, cung cấp các chính sách ưu đãi tài chính cho việc sản xuất, sở hữu và sử dụng xe điện, cung cấp chính sách thúc đẩy sự phát triển hệ thống trạm sạc và hoán đổi pin, xây dựng hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn diện liên quan đến xe điện, áp dụng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu bắt buộc cho xe ô tô và xe máy.

Cùng quan điểm trên, Thạc sĩ Mai Hoài Đan, Trường Đại học Tài chính – Marketing chia sẻ, Thành phố cần lập chiến lược phát triển giao thông xanh làm trọng tâm; tuyên truyền tầm quan trọng của giao thông xanh; quy hoạch phát triển và hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; xây dựng các cơ sở hạ tầng cho đi bộ. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách về hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch; hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ; quy hoạch, nâng cấp nguồn điện để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống các trạm sạc.

Về nội dung của chính sách chuyển đổi xanh tại huyện Cần Giờ, theo đại diện Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS), cần hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông; khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi phương tiện giao thông. Theo đó, từ năm 2024 – 2025 hỗ trợ 100% kinh phí đối với hộ nghèo; hỗ trợ 80% kinh phí đối với hộ cận nghèo; đối với cá nhân, hộ gia đình khác, mức hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay ưu đãi, cố định trong suốt thời gian vay. Giai đoạn năm 2026-2027 phấn đấu mỗi hộ gia đình chuyển đổi ít nhất một phương tiện giao thông. Trong đó, hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định cho tất cả cá nhân, hộ gia đình. Giai đoạn 2028-2030 khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình còn lại chuyển đổi phương tiện giao thông hoặc mua xe máy điện mới thông qua việc hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và đơn vị đã có những ý kiến phát biểu trao đổi bổ sung giúp Thành phố nhìn nhận vấn đề về phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải rõ nét hơn; khái quát được xu hướng chung và những bài học, kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy phát triển giao thông xanh nhằm phát triển kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững; thấy được vai trò và tầm quan trọng của phát triển giao thông xanh cũng như những khuyến nghị, giải pháp đóng góp cho công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh của TP Hồ Chí Minh./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực