Hà Giang: Hiệu quả từ Dự án xây dựng các “hồ treo”

Thứ sáu, 02/11/2018 17:02
(ĐCSVN) - Vùng Cao nguyên đá Hà Giang (gồm 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ) có địa hình chia cắt mạnh, diện tích chủ yếu là đá nên nguồn nước dự trữ trong lòng đất vô cùng khan hiếm, khí hậu khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là vào thời kỳ mùa khô, là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây qua nhiều thế hệ.
Hồ treo xã Thài Phìn Tủng huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Văn Phú
 
Được sự đầu tư của Chính phủ, nhiều “hồ treo” (gọi là “hồ treo” vì hồ được xây trên núi) đã được xây dựng nhằm dự trữ nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc vào mùa khô đã được khởi công xây dựng. Khởi đầu từ năm 2002, hồ chứa nước Xà Phìn xã Xà Phìn huyện Đồng Văn với dung tích chứa 3.000 m3 được khởi công xây dựng. Hồ được tích nước từ các mạch nước phát lộ trong mùa mưa nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vào mùa khô. Năm 2006, hồ chứa nước sinh hoạt xã Tả Lủng huyện Mèo Vạc có dung tích 30.000 m3 cũng được khởi công xây dựng. Từ thực tiễn cho thấy, các “hồ treo” đã mở ra hướng đi trong giải quyết “nạn khát” của người dân thuộc 4 huyện vùng Cao nguyên đá.

Theo báo cáo của ngành chức năng, trong 10 năm, từ 2007 – 2017, tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá đã được đầu tư xây dựng 115 “hồ treo” với tổng dung tích chứa khoảng 406 nghìn m3. Với dung lượng tích nước như vậy, các “hồ treo” đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho gần 24% dân số vùng Cao nguyên đá (khoảng 70 nghìn người); hiện đã cấp nước cho khoảng trên 50,5 nghìn người (đạt gần 21% dân số của 4 huyện). Trong đó, huyện Mèo Vạc có 26 hồ, huyện Đồng Văn có 41 hồ, huyện Yên Minh 26 hồ và huyện Quản Bạ có 22 hồ. Tổng kinh phí được phê duyệt để xây dựng các “hồ treo” là trên 1,3 nghìn tỷ đồng.

Chủ trương xây dựng các hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân (nhất là thời kỳ mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 của năm sau), thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Ngoài ra, chủ trương này đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo tại 4 huyện Cao nguyên đá của Hà Giang.

Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2020, tỉnh Hà Giang tiếp tục được Chính phủ đầu tư để xây dựng các “hồ treo”, phấn đấu đến năm 2020 có trên 95% dân số của 4 huyện Cao nguyên đá được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ các “hồ treo” với dung lượng bình quân 40 lít/người/1 ngày đêm.

Để phát huy hiệu quả của các “hồ treo”, tỉnh Hà Giang đang kêu gọi và khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn thiết kế nghiên cứu để đưa ra các giải pháp kỹ thuật trong quá trình thiết kế và sử dụng nguồn nguyên liệu nhằm giảm giá thành, nâng cao tuổi thọ của các công trình hồ chứa nước sinh hoạt; đồng thời tăng cường vai trò của các cấp chính quyền địa phương và người dân trong quá trình bảo quản, vận hành và khai thác hiệu quả các hồ chứa nước nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân tại 4 huyện Cao nguyên đá./.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực