Trung tuần tháng 10 năm ngoái, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã ra mắt điểm Câu lạc bộ "Mẹ người Mông nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" tại thôn Chiến Phố Thượng, xã Chiến Phố.
Bà Lù Thị Lâm - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ, thôn Chiến Phố Thượng có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông. Dân tộc Mông hiện nay có tỷ lệ tảo hôn cao trong các dân tộc thiểu số (DTTS). Do vậy, ở những nơi có đồng bào Mông sinh sống, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để tiến tới thay đổi hành vi về hôn nhân và gia đình cho đồng bào là rất cần thiết và cấp thiết.
Việc thành lập mô hình "Mẹ người Mông nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" là một sáng kiến của Hội LHPN huyện nhằm tổ chức ra một địa chỉ giúp cho 24 hội viên phụ nữ người dân tộc Mông có con trong độ tuổi vị thành niên cùng nhau sinh hoạt hàng tháng.
Thông qua các hình thức sinh hoạt như: hái hoa dân chủ, trò chuyện… chị em cùng nhau chia sẻ hiểu biết về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các chị Sùng Thị Mai, Sùng Thị Sung tâm sự, qua mỗi buổi sinh hoạt, nhận thức của chính các bà mẹ về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết được nâng lên. Đó là bước chuyển đầu tiên để các bà mẹ giác ngộ, trên cơ sở đó định hướng cho con mình không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mà thay vào đó là động viên con cái tích cực học tập nâng cao năng lực bản thân, phát triển toàn diện thể chất để sau này có một tương lai tốt đẹp hơn.
|
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Mẹ người Mông nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ở xã Chiến Phố (Ảnh: CTV) |
Đồng chí Lù Seo Seng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Chiến Phố cho biết, việc ra mắt câu lạc bộ đã nhận được sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền xã, các ngành chuyên môn và sự ủng hộ nhiệt tình của chị em phụ nữ người Mông.
Từ mô hình thí điểm đầu tiên tại xã Chiến Phố, bà Lù Thị Lâm chia sẻ ý định của Hội LHPN huyện trong thời gian tiếp theo là sẽ khảo sát các địa phương có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết để thành lập các câu lạc bộ tương tự ở các địa bàn, nhóm phụ nữ DTTS, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Năm 2024, dự kiến sẽ thành lập câu lạc bộ tại xã Bản Phùng, nơi có 97% là đồng bào dân tộc La Chí, hiện đang có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
Câu lạc bộ "Mẹ người Mông nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" ở xã Chiến Phố chỉ là một trong số nhiều mô hình được thành lập nhằm mục tiêu giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm đa số, có nhiều dân tộc đặc biệt ít người như: Cờ Lao, La Chí, Pà Thẻn, Phù Lá, Bố Y… Theo điều tra của Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tảo hôn trong một số DTTS đang còn cao như: Cờ Lao 47,8%; La Chí 18,5%...
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Hà Giang về vận động đồng bào xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, trong hơn một năm qua, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương thành lập hàng loạt mô hình như: “Không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 24 chi hội (xã Phương Độ, Phương Thiện, Ngọc Đường, TP Hà Giang) với 2.000 người; Mô hình “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại thôn Bản Trang, Xín Cái, huyện Mèo Vạc với 32 người; CLB “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình” tại Nà Khương, Bản Rịa, Quang Bình với 30 thành viên; CLB “Phụ nữ phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu với 1.381 thành viên/18 xã, thị trấn tại huyện Xín Mần; Mô hình “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại thôn Pù Ngọm, xã Quang Minh, Bắc Quang với 56 hộ gia đình; Mô hình “Không tảo hôn, hôn nhân cận huyết” tại xã Giáp Trung, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê với 55 thành viên; Mô hình “Chi hội nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại thị trấn Tam Sơn, Thanh Vân, Đông Hà, huyện Quản Bạ với 134 người tham gia...
Mỗi mô hình chính là một cách làm sáng tạo, một địa chỉ tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tích cực thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; duy trì và nhân rộng các cách làm hiệu quả nhằm đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong nhân dân các dân tộc.
Bên cạnh xây dựng các mô hình, Hội LHPN tỉnh Hà Giang còn chú trọng tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông như fanpage, facebook, zalo, Trang thông tin điện tử,... về những kết quả đạt được trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu tại địa phương cũng như tuyên truyền về các chế tài, xử lý, xử phạt đối với các trường hợp không gương mẫu, nghiêm túc chấp hành các quy định chung, quy ước, hương ước đang nằm rải rác các văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, để giải quyết các hủ tục lạc hậu trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định nghiêm cấm hành vi tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức tảo hôn đến 3.000.000đ và đến 20.000.000đ đối với hành vi kết hôn cận huyết thống. Việc chưa đủ tuổi kết hôn không được chính quyền cấp xã làm thủ tục đăng ký kết hôn và không thể tách hộ. Vì vậy hầu hết các cặp tảo hôn đều sống chung với cha, mẹ, làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình.
|
Xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vận động thành công 02 hộ gia đình từ bỏ ý định cho con tảo hôn và cam kết không tái phạm (Ảnh: CTV) |
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 13 tuổi hoặc Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo đại diện Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang, đây là những hậu quả nặng nề về mặt pháp lý của hủ tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Tuy nhiên, do trình độ phát triển kinh tế, nhận thức pháp luật ở một số đồng bào DTTS còn thấp, nên việc áp dụng pháp luật ngay cùng một lúc và triệt để đối với các cá nhân là hết sức khó khăn. Vì vậy, đối với các tập quán lạc hậu, Chính phủ đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng, vận dụng, điều chỉnh trong các hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố.
Hương ước, quy ước là thiết chế văn hoá quan trọng do cộng đồng dân cư các thôn, bản tự thảo luận, bàn bạc và thống nhất thông qua. Đến nay, toàn bộ 2.071 thôn, bản, tổ dân phố của tỉnh Hà Giang đều xây dựng và ban hành hương ước, quy ước trong đó có quy định cụ thể, chi tiết về phòng, chống hủ tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, Sở Tư pháp cũng lưu ý không được quy định mức xử phạt bằng tiền hoặc hiện vật thuộc thẩm quyền xử lý của trưởng thôn. Vì hương ước, quy ước không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên việc quy định mức phạt và thẩm quyền xử phạt của trưởng thôn là không đúng quy định của pháp luật. Nội dung này, Bộ Tư pháp đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn yêu cầu rà soát lại toàn bộ và lược bỏ các quy định trong hương ước, quy ước của thôn, bản mức xử phạt bằng hiện vật hoặc bằng tiền. Thay vào đó là các hình thức xử lý như: Không bình xét công nhận “gia đình văn hoá” và phải đóng góp vào quỹ chung của thôn nếu phạt tiền đối với các hộ gia đình vi phạm; phạt ngày công lao động làm các việc cho cộng đồng; đưa ra kiểm điểm tại tổ chức, đoàn thể mà người đó đang sinh hoạt, đưa ra kiểm điểm trước hội nghị nhân dân. Nội dung mức phạt đối với các hành vi vi phạm chỉ nên quy định trong hương ước, quy ước là xử phạt theo thẩm quyền và pháp luật hiện hành tương ứng với hành vi vi phạm./.