Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 12/11.
Ông Hạnh cho biết, tính đến 30/9/2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống là 22.211 người chiếm 10,5% người nhiễm HIV còn sống của cả nước (tính đến 30/6/2019 Việt Nam có 211.996 người nhiễm HIV còn sống). Số bệnh nhân đã tử vong là 6084 người.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin tại buổi giao ban. (Ảnh: NK)
Đáng chú ý, 100% số quân/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội có người nhiễm HIV, trong đó 577/584 xã/phường/thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (chiếm 94,9%); tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS là 260 người/100.00 dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nộ cũng cho biết, đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng, từ 36,2% năm 2014 lên 65,6% cuối năm 2018 và 72,4% vào tháng 9/2019. Trong khi đó, lây qua đường máu giảm từ 63,2% năm 2014 giảm xuống còn 26,7%. Trong đó, hai nhóm phát hiện nhiều nhất năm 2019 là vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV (32,8%); nhóm tiêm chích ma tuý chỉ còn 22,8%.
Giải thích cho điều này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trước đây, lây truyền qua đường máu (chung kim tiêm chích ma tuý) nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện nay, số người lây nhiễm qua con đường tình dục tăng cao, trong đó nhiều nhất là qua con đường quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Số này chiếm 27,5% và vẫn đang tăng rất nhanh.
Trong khi đó, tình trạng kỳ thị với HIV vẫn còn và đây là rào cản chính làm người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV; các hoạt động truyền thông tại một số cơ sở chưa được duy trì thường xuyên, tập trung chủ yếu trong các đợt chiến dịch.
Về hiệu quả điều trị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thực tế đã chứng minh hiệu quả điều trị ARV sớm là vô cùng to lớn, không chỉ cứu sống người bệnh mà còn là biện pháp dự phòng lây nhiễm hiệu quả nhất trong cộng đồng, đặc biệt là qua đường tình dục và mẹ truyền sang con.
Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, việc tiếp cận đối tượng nguy cơ cao (mại dâm, quan hệ đồng giới…) để can thiệp ngày càng khó khăn, các phương pháp tiếp cận truyền thống như gặp gỡ trực tiếp đã ít hiệu quả do sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội.
Đặc biệt, theo ông Hạnh, từ năm 2019, việc xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV đang từ miễn phí chuyển sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế đã được triển khai. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm duy trì, ổn định điều trị cho bệnh nhân.…
Tính trên phạm vi cả nước, đến ngày 30/6/2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống tại Việt Nam là 211.996 người. 6 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện được 4.675 người nhiễm HIV, chủ yếu là nam giới. Đường lây nhiễm chủ yếu là qua quan hệ tình dục đồng giới và khác giới/.