Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy vào năm 2030

Thứ ba, 04/07/2017 15:16
(ĐCSVN) – Giai đoạn 2017 – 2030, thành phố Hà Nội sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện trình bày đề án tại kỳ họp - Ảnh: PC

Tại phiên làm việc sáng 4/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 – 2030”, với tỷ lệ 91% đại biểu tán thành.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 5,2 triệu xe máy, gần 486 nghìn ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.

Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có trên 800 nghìn ô tô; trên 6 triệu xe máy; đến năm 2030 số ô tô là trên 1,9 triệu và xe máy là trên 7,5 triệu xe.

Với số lượng phương tiện và tốc độ tăng trưởng trên, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào Hà Nội diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.

Vì vậy, Nghị quyết về quản lý phương tiện giao thông của thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

Trong đó, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020.

Hà Nội sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy - Ảnh: PC

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn lẻ với các tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.

Hà Nội đề ra giải pháp kinh tế để thực hiện Nghị quyết là yêu cầu chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản để thực hiện thu phí tự động, nộp phạt, đấu giá quyền khai thác taxi thay thế hàng năm và taxi tăng thêm. Quy định xử phạt xe vi phạm giao thông đối với chủ sở hữu xe để đảm bảo chủ xe phải đăng ký đúng tên khi mua bán xe.

Về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ.

Bên cạnh đó, sẽ có chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp của Đề án được huy động từ nguồn ngân sách và thu hút từ nguồn vốn xã hội hóa thông qua hình thức đối tác công tư PPP.

Lộ trình 3 giai đoạn thực hiện:

2017 - 2018: thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường quản lý nhà nước với vận tải

2017 - 2020: thực hiện các giải pháp về số lượng, chất lượng phương tiện và phát triển vận tải công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn lẻ với các tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Cấp hạn ngạch với xe taxi và các xe hoạt động tương tự taxi như Uber, Grab… Chủ xe ô tô phải mở tài khoản để thực hiện thu phí tự động, nộp phạt, đấu giá quyền khai thác taxi thay thế hàng năm và taxi tăng thêm.

2017 - 2030: từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận 

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực