Hà Nội tăng cường phòng chống cháy nổ

Thứ tư, 28/09/2022 21:04
(ĐCSVN) - Chiều 28/9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban quý III/2022 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến, về tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp và tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. 

Các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Ngọc Tuán, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ chủ trì hội nghị.

Hội nghị tập trung thảo luận 2 nội dung gồm: Tình hình thực hiện và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; Tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu nêu nhiều ý kiến nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế về quá trình đầu tư, xây dựng và quản lý các khu, cụm công nghiệp cũng như công tác phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Qua đó nêu nhiều kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến góp ý, qua đó thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Đánh giá cao kết quả phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với việc thu hút được nhiều nhà đầu tư uy tín, tạo việc làm cho hơn 246.000 người lao động, song Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong quá trình đầu tư, xây dựng và quản lý các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Quang cảnh Hội nghị. 

Đó là tiến độ đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới còn chậm. Đến nay, mới đầu tư được 6 cụm công nghiệp, còn lại 37 dự án cụm công nghiệp hầu hết đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng hoặc chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp cũng chưa được giải quyết căn cơ, triệt để. Tình trạng mất an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp như: Tín dụng đen, ma túy... vẫn xảy ra.

Để khắc phục những hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các cấp, các ngành của thành phố cần tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII). Ban Cán sự đảng UBND TP tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, bảo đảm cải cách tối đa các thủ tục hành chính; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền… Bên cạnh đó, UBND TP cũng cần nghiên cứu, tính toán việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, đơn vị thực hiện một số thủ tục đầu tư.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ xin chuyển đổi đất lúa trình Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện ngay việc cấp giấy phép xây dựng với các cụm công nghiệp đã đủ điều kiện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp ký cam kết bảo đảm tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ… Trong đó, cần ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các quận, huyện, thị xã, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp; phân công rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc chỉ đạo, điều hành. Thường xuyên kiểm tra, giám sát dự án và tổ chức giao ban định kỳ kiểm điểm tiến độ thi công, chất lượng các công trình trọng điểm để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Liên quan đến công tác phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các ban, sở, ngành. Song, đồng chí cũng nhìn nhận tình hình cháy, nổ tại Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại. Nguyên nhân là do công tác phòng cháy, chữa cháy của các cấp, ngành và nhân dân ở một số nơi còn hạn chế; ý thức phòng ngừa, kỹ năng thoát hiểm của một số bộ phận người dân chưa cao… dẫn việc xảy ra những vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và của.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy… Đặc biệt, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy.

 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.

Trước mắt, trong giai đoạn thời tiết của Thủ đô Hà Nội có những diễn biến khó lường, nhu cầu dùng điện của người dân tăng cao, nguy cơ xảy ra chập điện, cháy, nổ là rất cao thì các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện 4 phương châm trong phòng cháy chữa cháy tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) để chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đúng quy định tại nhà dân và những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Các địa phương, đơn vị tăng cường tập huấn nghiệp vụ, đầu tư, trang bị phương tiện chữa cháy, đặc biệt là cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các cơ quan chuyên môn của thành phố cần nghiên cứu, đề xuất một số quy hoạch ngành có liên quan để tăng cường quản lý như: Quy hoạch phát triển ngành nghề kinh doanh karaoke, bar, vũ trường theo hướng an toàn, bền vững và phải có biện pháp đảm bảo quản lý chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh. Quy hoạch, đầu tư về nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (bể ngầm, trụ nước chữa cháy)… Bên cạnh đó, tăng cường công tác xử lý những vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy…/.

 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực