Ngay sau khi bão tan, Điện lực Hà Tĩnh đã tập trung
khôi phục lưới điện. (Ảnh: Phan Tân Linh)
Do đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh trên biển Đông, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (sau cấp thảm họa), với thời gian diễn ra hơn 7h trên đất liền, bão số 10 đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong suốt 7 giờ quần thảo, bão không gây thiệt hại về người, nhưng đáng tiếc là trong quá trình khắc phục hậu quả lại có 2 người bị chết vào ngày 16/9/2017 và 72 người bị thương. Cơn bão cũng đã làm gần 95.000 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái, trong đó có hơn 150 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thiệt hại do bão gây ra được thống kê như sau:
Có 22km đê, kè, 18km kênh mương, 233 cống bị sạt lở và hư hỏng, 27 trạm bơm bị ngập nước; 66km đường giao thông các loại bị sạt lở, hư hỏng và ngập nước; 138 cầu, cống giao thông các loại bị hư hỏng nặng; gần 5.000 cột điện các loại bị đổ, gãy; 248km đường dây điện bị đứt; 87 trạm biến thế các loại bị hư hỏng; 243 xí nghiệp, công trình, 84 nhà kho, nhà xưởng, 49 chợ, trung tâm thương mại, 124 trụ sở cơ quan bị thiệt hại.
Hạ tầng giáo dục, văn hóa, y tế với 290 điểm trường, 1.180 phòng học; 85 cơ sở khám, chữa bệnh; 28 di tích lịch sử văn hóa bị hư hỏng. Thiệt hại đối với hệ thống thông tin truyền thông đựợc báo cáo: 02 cột truyền hình, 1.850 cột treo cáp, 15 cột ăng ten, 189 nhà trạm, bưu cục, điểm bưu điện văn hoá xã bị đổ, gãy và hư hỏng nặng; hệ thống truyền thanh cơ sở đã bị hỏng 20 máy phát đài truyền thanh; đổ, gãy 24 cột và hư hỏng 1.124 cụm loa truyền thanh cơ sở.
Trong lĩnh vực sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh có 795 ha lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng bão; 1.649 ha rau màu bị hư hỏng; 944,3 ha cây ăn quả tập trung bị ảnh hưởng; 4.896,8 ha cây trồng cạn bị hư hỏng; 41.341 ha rừng và 338.471 cây xanh, bóng mát đô thị bị hư hỏng, đổ gãy; hơn 2.500 con gia súc và trên 128.500 con gia cầm bị chết; trên 1.000 giếng nước của các hộ gia đình bị nhiễm mặn... Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chịu thiệt hại nặng nề về sản xuất, máy móc, thiết bị, kho, nhà xưởng. Theo ước tính của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn tỉnh vào khoảng hơn 6.610 tỷ đồng.
Chủ động khắc phục hậu quả bão số 10, đến ngày 25/9/2017, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành một số việc trước mắt và lâu dài. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục để ổn định đời sống 80% các gia đình có nhà ở bị sập đổ (thiệt hại trên 70%); 20% còn lại đã được bố trí ở nhà tạm hoặc di dời đến nhà người thân ở tạm thời. Đối với những gia đình bị thiệt hại dưới 70%, cùng với sự giúp đỡ của lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng, Đoàn Thanh niên, lực lượng xung kích, các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động khắc phục ổn định cuộc sống.
Hệ thống mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh được khôi phục sớm đã tạo điều kiện đi lại, thông thương giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện đã có 261/262 phường, xã đã được cấp điện trở lại bình thường, còn 01 thôn thuộc xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh dự kiến sẽ cấp điện vào ngày 28/9/2017. Hệ thống thông tin liên lạc đã được khắc phục một bước kịp thời, đảm bảo thông suốt trên địa bàn toàn tỉnh kể từ ngày 18/9/2017.
Tất cả các trường học và các cơ sở đào tạo, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông bị thiệt hại bước đầu đã được khắc phục, tạo điều kiện cho học sinh bắt đầu năm học mới một cách bình thường. Các cơ sở khám và chữa bệnh bị thiệt hại do bão đã được khắc phục, tu sửa một bước, bảo đảm việc khám và chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Các doanh nghiệp đã huy động nhiều nguồn lực thu mua hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là bưởi và cây nguyên liệu bị gãy, đổ và chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để khôi phục sản xuất, đặc biệt là sản xuất vụ Đông; trên 80% diện tích thủy sản mặn, lợ bị thiệt hại đã được khắc phục bước đầu để đưa vào sản xuất; cung cấp nước sạch kịp thời cho gần 1.000 hộ gia đình ở thị xã Kỳ Anh và xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh.
Ngay sau khi bão tan, Hà Tĩnh đã tổ chức đón nhân các hoạt động cứu trợ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 160 đoàn đến từ các địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh và trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 10, với tổng giá trị tiếp nhận trên 28,8 tỷ đồng. Ban tiếp nhận viện trợ tỉnh và các địa phương đã tổ chức tiếp nhận và quản lý, sử dụng bảo đảm đúng mục đích, công bằng, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 10.
Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 10 gây ra không thể khắc phục sớm trong ngày một, ngày hai. Nhà ở của nhân dân, sản xuất nông nghiệp, cơ sở giáo dục, hệ thống điện, các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sớm khắc phục nhằm ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt bảo đảm ứng phó nếu thiên tai tiếp tục xảy ra.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi về thị sát tình hình tại Hà Tĩnh sau con bão, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cấp chính quyền đang triển khai công tác hỗ trợ giúp đỡ các nhà dân bị sập, đổ chưa có điều kiện để khôi phục đang ở nhà tạm; các gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, các gia đình chính sách, hộ nghèo chưa có khả năng sửa chữa đang ở nhờ tại gia đình người thân hoặc đang sửa chữa tạm thời.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề ra chủ trương, hỗ trợ khắc phục khẩn cấp các công trình thiết yếu như hệ thống đê điều, hệ thống điện, trường học, thủy sản, hệ thống thông tin liên lạc, giao thông nhằm bảo đảm đối phó với các cơn bão tiếp theo. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phục hồi sản xuất nông nghiệp, tỉnh hỗ trợ giống rau, màu để sản xuất vụ Đông và giống lúa để sản xuất vụ Xuân năm 2018; trồng lại diện tích rừng bị thiệt hại do bão, bảo đảm hệ sinh thái và giảm nhẹ thiên tai; hỗ trợ kinh phí mua thuốc khử khuẩn môi trường sau bão, mua vắc-xin để phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.
Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, huy động mọi nguồn lực, động viên nhân dân, các doanh nghiệp khắc phục những thiệt hại do bão số 10 gây ra, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất; đồng thời tổ chức đánh giá đúng khả năng phòng, chống với thiên tai, nhất là khả năng đối phó với bão lớn và siêu bão kết hợp triều cường của tất các công trình hạ tầng: hệ thống đê điều, giao thông, trường học, các cơ sở khám chữa bệnh, hệ thống điện lực, thông tin liên lạc, nhà ở của nhân dân và các cơ sở hạ tầng khác, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường./.