Hạn chế tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng”

Thứ bảy, 15/06/2024 12:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Thời gian qua, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng lương cho người lao động đã được dư luận đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều tác động là bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại bởi tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” sẽ làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương, gây khó khăn cho đời sống người dân.

Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương đã được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến, mức lương của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với hiện nay. Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình tăng hơn 32% (khoảng 7,5 triệu đồng/tháng).

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.

 Người dân mong muốn hạn chế tình trạng "lương chưa tăng, giá đã tăng". (Ảnh: Ngọc Lê).

Thông tin được tăng lương là niềm vui với bất cứ người lao động nào. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, trước mỗi đợt tăng lương lại có tình trạng hàng hóa “té nước” theo lương, khiến người lao động mừng ít, lo nhiều dù ai cũng mong muốn có thể sống được bằng chính đồng lương của mình.

“Đi làm thì ai cũng mong được tăng lương, nhưng quan trọng nhất với công chức, viên chức và người lao động là lương tăng phải giúp cải thiện chất lượng cuộc sống; trong khi đó, lương chưa tăng, giá cả hàng hóa đã tăng, hoặc lương tăng ít mà giá cả tăng nhiều thì tăng lương cũng không có ý nghĩa nhiều”, chị Bùi Thị Hà, một giáo viên ở Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình chia sẻ.

Cùng suy nghĩ nói trên, anh Nguyễn Văn Đức ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Lúc nghe thông tin sắp thực hiện cải cách tiền lương, tôi rất mừng, vì nghĩ cuộc sống gia đình, vợ con sẽ được cải thiện. Song, thực tế, cứ có thông tin tăng lương là giá cả các loại hàng hóa lại tăng theo; lương tăng không đuổi kịp giá hàng hóa tăng khiến cuộc sống lại thêm phần khó khăn hơn”.

Thực tế, thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực. Xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất biến động khó lường.

 Biểu đồ tăng/giảm CPI tháng 5/2024 so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Minh Ngọc).

Số liệu từ của Tổng Cục thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2024 tăng 3,77%, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 4,03%, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước tình trạng trên, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường để bình ổn giá cả hàng hóa, không để tái diễn “té nước theo mưa” và người lao động thực sự có niềm vui trọn vẹn khi được tăng lương.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược.

Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; "không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương".

Bám sát thực tế, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Từ đó, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp kiềm chế lạm phát, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đã xác định.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Chỉ khi giá cả hàng hóa được kiểm soát, nói cách khác, chỉ khi hạn chế được tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng”, “giá tăng theo lương” thì mục đích của việc tăng lương cho người lao động mới được thực hiện đầy đủ. Bởi lẽ, với người lao động nói chung, công chức, viên chức trong khu vực công nói riêng, việc tăng lương đi liền với kiểm soát giá cả luôn là cơ sở giúp họ bảo đảm cuộc sống của bản thân, gia đình; từ đó có thể yên tâm gắn bó, cống hiến cho công việc./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực