Hành động thiết thực để kéo giảm tai nạn giao thông

Thứ bảy, 19/11/2022 23:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - "Mỗi chúng ta tưởng nhớ đồng bào mất đi và nhắc nhở chính mình phải có những hành động thiết thực để kéo giảm tai nạn giao thông, để con trẻ trên mọi miền đất nước được đến trường trên những cung đường bình yên, để mọi nhà đều được sum vầy hạnh phúc bên nhau quanh mâm cơm mỗi khi chiều về” - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu.

Tối 19/11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Người bạn đường” gắn với Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam năm 2022 chủ đề xây dựng văn hóa giao thông an toàn với tinh thần "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại".

Chương trình nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông tại Việt Nam; nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự An toàn giao thông; đồng thời kêu gọi sự chung tay cùng hành động của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng để ngăn chặn, đẩy lùi và cùng sẻ chia, xoa dịu những nỗi đau do tai nạn giao thông gây nên.

"Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại"

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu tại lễ tưởng niệm (Ảnh: KT)

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có gần 1,3 triệu người tử vong và gần 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã nỗ lực rất nhiều, nhưng mỗi năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông, trên 11.000 người khác phải mang trên mình thương tật suốt đời. 

Chỉ riêng 11 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 đồng bào.

Theo Bộ trưởng, đau đớn hơn, phía sau những cái chết do tai nạn giao thông là hàng ngàn tổ ấm gia đình bị tổn thương, hàng ngàn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa cho những năm tháng cuối đời, hàng ngàn em nhỏ mất đi cha, mẹ. Hình ảnh con trẻ đơn côi, giật mình thức giấc, nghẹn khóc giữa đêm khuya gọi mẹ, tìm cha mà không thấy đang bóp nghẹt con tim của mỗi chúng ta. Nỗi đau này cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Sự mất mát này là nỗi đau vô hạn không gì bù đắp nổi đối với dân tộc Việt Nam, cũng như mọi dân tộc trên thế giới.

“Ngay trong lúc này, mỗi chúng ta tưởng nhớ đồng bào mất đi và nhắc nhở chính mình phải có những hành động thiết thực để kéo giảm tai nạn giao thông, để con trẻ trên mọi miền đất nước được đến trường trên những cung đường bình yên, để mọi nhà đều được sum vầy hạnh phúc bên nhau quanh mâm cơm mỗi khi chiều về” - Bộ trưởng phát biểu. 

Nhấn mạnh tinh thần “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", Bộ trưởng kêu gọi các tổ chức đoàn thể và mọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông an toàn, đồng lòng thực hiện những quy tắc giao thông an toàn như: Đã uống rượu, bia - Không lái xe; Không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe; Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; Luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô; Nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông… cùng tạo lập một môi trường giao thông thực sự an toàn, văn minh, thân thiện.

 Các đại biểu tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (Ảnh: KT)

Thay mặt Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gửi lời thăm hỏi và lời chia buồn sâu sắc nhắc đến tất cả các gia đình có thân nhân không may qua đời do tai nạn giao thông tại Việt Nam. Bộ trưởng cũng kêu gọi mỗi người cùng giúp đỡ, sẻ chia chung tay xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình của các nạn nhân. 

“Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống” - Bộ trưởng kêu gọi. 

Tại chương trình, các đại biểu đã dành 1 phút tưởng niệm những đồng bào, đồng chí không may qua đời do tai nạn giao thông.

Mỗi người dân cần là một người tham gia giao thông có văn hoá

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi ngày, khi ra đường vẫn có những người không trở về nhà, hành trình của họ, của người thân thêm nhiều những giọt nước mắt. Nhưng tất cả những điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta coi mỗi người cùng đi trên đường là những người bạn đường, cùng nhau đi hành trình của mỗi người một cách có văn hóa để hướng đến hai chữ "an toàn" và " hạnh phúc" mỗi khi ra đường. Đây cũng là thông điệp của Người bạn đường năm 2022.

Xuyên suốt chương trình "Người bạn đường" là câu chuyện của những con người thầm lặng góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Đó là câu chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của ông Nguyễn Tiến Nam (thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông là cựu chiến binh tham gia công tác đảm bảo an toàn giao thông ở cổng trường tiểu học Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đó còn là câu chuyện của người "vá đường" Nguyễn Thị Minh. Cách đây gần chục năm, chị Nguyễn Thị Minh chứng kiến một cô gái trẻ lạc vào ổ gà và bị tai nạn giao thông chết. Ám ảnh với cái chết của cô gái đó, chị đã trở thành người vá đường. Một thân một mình cứ đi vá hết con đường nọ đến con đường kia đến mức người ta gọi là điên, là khùng, nhưng chị kệ cứ làm việc mà mình nghĩ là tốt. Nhìn thấy việc chị làm thiết thực, đem lại hành trình an toàn cho người dân nên nhiều người đã làm theo.Đó còn là câu chuyện vươn lên trên đôi nạng của cô gái Bế Thị Băng bị mất một chân khi vừa tốt nghiệp đại học. Thay vì phải ngồi xe lăn suốt đời như lời của bác sỹ, Băng đã cố gắng rèn luyện trên chiếc chân còn lại và cô có thể biểu diễn trên sân khấu đầy tự tin chỉ bằng một chân.  

Chia sẻ tại chương trình, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, mỗi người dân cần là một người tham gia giao thông có văn hoá và có trách nhiệm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông để mang đến một xã hội giao thông an toàn./.

Ngày 27/10/2005, tại Nghị quyết A 64, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng ngày này vào ngày 19/11/2012 và từ năm 2013 thì được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời vì tai nạn giao thông, qua đó gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực