Hậu Giang: Phát triển trồng rừng ở những vùng nước mặn xâm nhập sâu và nồng độ mặn cao

Thứ hai, 29/02/2016 15:16
Hậu Giang đang đẩy mạnh trồng rừng ở những vùng nước mặn xâm nhập sâu và nồng độ mặn quá cao mà những cây trồng khác không phát triển được, với diện tích hàng ngàn ha rừng ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh.

Hậu Giang phát triển trồng rừng ở những vùng nước mặn xâm nhập sâu và nồng độ mặn cao.Ảnh: tinmoitruong.vn 

Tỉnh có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư trồng rừng theo mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi thủy sản cho thu nhập cao. Hiện, Hậu Giang đã phê duyệt kinh phí hơn 62 tỷ đồng để trồng rừng đến 2020, riêng năm 2016, tỉnh có kế hoạch trồng mới khoảng 1.000 ha rừng ở những vùng đất thường xuyên bị nước mặn xâm nhập với nồng độ mặn từ 4 phần ngàn trở lên. 

Hàng năm, tỉnh đều phát động nông dân trồng cây phân tán và Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ. Công tác phòng chống cháy rừng thường xuyên được quán triệt và thực hiện tốt; lực lượng Kiểm lâm bám sát địa bàn tại 12 xã có rừng để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống cháy rừng ở cơ sở. Nhờ làm tốt công tác này nên thời gian qua diện tích rừng được bảo vệ an toàn. Hậu Giang cũng là địa phương hỗ trợ người dân phát triển các mô hình nuôi động vật hoang dã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh có 9 trại nuôi và 330 hộ gia đình nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã với 224.408 cá thể gồm các loài Chồn, Nhím, Cá Sấu, Trăn, Rắn,... 

Hiện tại, tỉnh Hâu Giang đã thực hiện theo dõi, quản lý bằng sổ đối với 30 doanh nghiệp và 140 cơ sở chế biến gỗ vườn, gỗ rừng trồng. Tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 2,04%. Đến năm 2020, sau khi thực hiện dự án di dời dân cư ra khỏi Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, có thể tiến hành trồng rừng bổ sung trên đất canh tác nông nghiệp (lúa, mía) khoảng 500 ha. Ngoài ra, quy hoạch bổ sung (quy hoạch đất lâm nghiệp dự phòng) trên diện tích khu vực bãi bồi tại huyện Long Mỹ khoảng 1.340 ha. Cùng với hệ thống rừng cây phân tán đảm bảo tỷ lệ che phủ 6%; bên cạnh đó kết hợp tạo cảnh quan khai thác du lịch và cung cấp một phần gỗ, củi cho xây dựng, nguyên liệu và chất đốt. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức trồng các loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện lập địa và mục đích từng loại rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, trồng rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chăn nuôi thủy sản; thực hiện các mô hình khuyến lâm phù hợp; tăng cường phòng chống cháy rừng trong mùa khô; thường xuyên tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân về ý thức bảo vệ và phát triển vốn rừng. Hiện nay, tỉnh Hậu Giang có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp: 5.672 ha. Trong đó diện tích đất có rừng: 2.543,64 ha; diện tích đất không có rừng: 3.128,36 ha. Trong đó, rừng đặc dụng là 1.403,82 ha; rừng sản xuất 1.139,82 ha; rừng sản xuất do nhà nước quản lý là 494,83 ha và rừng trồng của các tổ chức hộ gia đình quản lý là 644,99 ha./. 

Trần Hữu Hiếu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực