|
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên chất vấn. |
Đây là những vấn đề chưa chất vấn chuyên sâu thành chuyên đề trong nhiệm kỳ này, đồng thời cũng là những vấn đề được cử tri quan tâm.
Tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đối với công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông, thời gian qua, UBND các cấp đã có các biện pháp để bảo vệ, quản lý nhằm bảo đảm việc khai thác hợp lý, hiệu quả, đúng pháp luật. Tuy nhiên, qua khảo sát của các ban HĐND TP cho thấy công tác quản lý khai thác cát, sỏi, lòng sông, việc quản lý bến bãi chứa cát, đá, sỏi còn nhiều bất cập, hạn chế; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang diễn biến rất phức tạp gây lãng phí nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Đối với việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP, Thường trực HĐND TP đã tổ chức phiên giải trình vào tháng 3/2018 và Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm tra các cấp ủy về việc triển khai kết quả Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, trong đó có nội dung triển khai 2 Bộ quy tắc ứng xử.
Sau phiên giải trình, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan của TP và xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có văn hóa ứng xử tốt đẹp tại nơi công cộng, kết quả đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện 2 bộ quy tắc này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số cán bộ, công chức, viên chức nhất là tại cấp xã, phường vẫn còn thái độ chưa đúng mực, ý thức và tinh thần trách nhiệm chưa cao trong giải quyết các thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp; hiện tượng vi phạm các chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh tại nơi công cộng vẫn còn diễn ra tại nhiều nơi, nhiều lúc, nhất là trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.
“Có thể nói đây là những lĩnh vực các cấp, các ngành chưa có các biện pháp hữu hiệu để quản lý. Qua các buổi tiếp xúc cử tri đây là vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh. Do đó, việc Thường trực HĐND lựa chọn 2 nhóm vấn đề trên để chất vấn là xuất phát từ thực tiễn của công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đồng thời cũng là đáp ứng yêu cầu cử tri và dư luận quan tâm”, Chủ tịch HĐND Thành phố nhấn mạnh.
Để chuẩn bị nội dung phiên chất vấn, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo các Ban HĐND tổ chức giám sát, khảo sát, xây dựng phóng sự và làm việc với các sở, ngành liên quan để có báo cáo gửi đại biểu làm tài liệu tham khảo. Căn cứ kết quả quá trình chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở cơ sở và nghiên cứu tài liệu, phóng sự do Thường trực HĐND chuẩn bị, Chủ tịch HĐND TP đề nghị đại biểu HĐND đặt câu hỏi cụ thể, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đúng nội dung đã được Chủ tọa thông qua; không đặt câu hỏi mang tính cung cấp thông tin, giải thích sự việc, thời gian đặt câu hỏi ngắn gọn không quá 1 phút và một đồng chí có thể đặt câu hỏi nhiều lần; khuyến khích đại biểu tranh luận để làm rõ, đến cùng vấn đề.
Người trả lời chất vấn là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên UBND TP, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã. Người được chất vấn cần trả lời đúng nội dung, không né tránh, làm rõ đúng trách nhiệm của mình cũng như của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với vấn đề đại biểu quan tâm. Đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục, thời gian hoàn thành để cử tri và đại biểu HĐND TP theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Chủ tọa sẽ kết luận đối với từng nội dung cụ thể. Sau đó, đồng chí Chủ tịch UBND TP sẽ trực tiếp giải trình và tiếp thu. Sau phiên chất vấn, HĐND TP ban hành Thông báo kết luận phiên chất vấn để tạo cơ sở giám sát việc thực hiện.
Tại phiên chất vấn này, Chủ tịch HĐND TP đề nghị các vị đại biểu tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, thực hiện hoạt động chất vấn đạt hiệu quả cao, giúp cho các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thấy rõ các tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời./.
Báo cáo của Thường trực HĐND TP Hà Nội cho thấy, tình trạng khai thác cát trái phép, hay còn gọi là “cát tặc” mặc dù đã được các cơ quan chức năng xử lý song vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Vì đây là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận nên không ít người vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, khai thác khi không được phép để trục lợi bất chính, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Theo thống kê của Công an TP, hiện còn 13 điểm phức tạp về khai thác cát trái phép gây bức xúc trong dư luận và Nhân dân, làm thất thoát tài nguyên và thất thu nguồn ngân sách Nhà nước. Điển hình phải kể đến huyện Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh, Ba Vì…Tình trạng “cát tặc” lộng hành có một phần nguyên nhân từ việc quản lý các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng còn buông lỏng. Theo quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì thành phố chỉ bố trí 91 bãi chứa trung chuyển với diện tích khoảng 340ha.
Tuy nhiên, con số này thực tế khác hoàn toàn và không hề giống nhau theo báo cáo của các cơ quan chức năng. Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo có 132 bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng, trong đó có 92 bãi không phép. Công an TP báo cáo có đến 246 bãi tập kết, trong đó có 189 bãi không có thủ tục đất đai theo quy định. Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 158 bãi đang hoạt động thì có tới 122 bãi hoạt động không phép. Cho dù số liệu nào đi chăng nữa thì con số bãi tập kết không phép vẫn chiếm hơn 70%...
Cùng với các bãi tập kết vật liệu xây dựng, hiện TP có hơn 131 bến thủy hàng hóa không phép hoặc hết phép. 131 bến không phép này cùng với hàng trăm bãi tập kết trung chuyển vật liệu không phép đã tạo nên bức tranh hỗn độn, phức tạp, mập mờ, dẫn tới sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước.
. |