Thông qua các nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, trong 5 năm gần đây, huyện miền núi Sông Hinh đã đầu tư hơn 26 tỷ đồng xây dựng công trình nước sạch cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đến nay, gần 85% trong số hơn 5.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng nước sạch.
Công trình nước sạch mới đưa vào vận hành gần đây nhất vào cuối tháng 7/2014 tại xã vùng cao Sông Hinh có công suất 500 mét khối/ngày đêm với công nghệ xử lý nước khá hiện đại cùng hệ thống đường ống dẫn nước về đến từng nhà dân. Gần 1.000 hộ đã có nước sử dụng thường xuyên.
|
Chương trình nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả (Ảnh: Báo Phú Yên) |
Xã Sông Hinh nằm ở vùng cao, vào mùa nắng hạn, người dân thiếu nước sinh hoạt. Những giếng nước có độ sâu từ 30 mét đến 50 mét cũng cạn kiệt. Người dân phải đi vài cây số xuống suối Răm gùi từng can nước về nhà. Do vậy, bà con rất mừng khi có công trình nước sạch. Mí Thuận, thôn 2A, xã Sông Hinh phát biểu: “Năm nay hạn hán, các giếng cũng khô hết phải xuống suối kiếm chỗ nào đó đào múc lên. Bây giờ, mình mừng vì đi làm mệt về có nước để tắm rửa, sạch sẽ". Anh Niê Y Lôi, thôn 3, xã Sông Hinh phấn khởi nói: “Có nước, bà con ở đây rất mừng vui, cám ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm tới bà con”.
Như vậy đến nay, ngoại trừ xã Ea Ba, huyện miền Sông Hinh đã có 6 trong số 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch đó là Ea Bia, Ea Trol, Ea Bá, Ea Ly, Ea Lâm và xã Sông Hinh với tổng kinh phí đầu tư hơn 26 tỷ đồng. Mỗi công trình nước sạch công suất từ 300 đến 500 mét khối/ngày đêm cung cấp từ 530 hộ đến gần 1.000 hộ trong xã. Ngoài ra, một số thôn, buôn có đồng bào dân tộc ở các xã Ea Bia, Đức Bình Đông gần với Nhà máy nước Sông Hinh được Nhà nước đầu tư kinh phí lắp đặt đường ống đến từng hộ để sử dụng. Điều đó cho thấy sự quan tâm lớn Đảng, Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm nay, địa bàn tỉnh Phú Yên nắng hạn gay gắt, các huyện miền núi có gần 6.500 hộ thiếu nước sinh hoạt; một số vùng phải mua nước từ nơi khác đến với giá từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nhưng ở huyện Sông Hinh hầu như không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Có những thời điểm nước ở các xã tốt hơn hệ thống nước sạch tập trung ở ngay thị trấn huyện. Đặc biệt hai xã khan hiếm nước nặng nhất của huyện là Sông Hinh và Ea Lâm được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống nước khá tốt so với các xã khác. Đây là sự nỗ lực lồng ghép các chương trình mục tiêu trên địa bàn huyện, tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch đạt gần 85% là khá cao so với các huyện miền núi khác trong tỉnh.”.
Kinh nghiệm của huyện Sông Hinh cho thấy, để các công trình nước mang lại hiệu quả trước hết phải tìm được nguồn nước ổn định. Do tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải đầu tư đồng bộ từ đường ống đến từng hộ dân và đặc biệt là cách thức tổ chức vận hành công trình theo hướng đơn vị nào đầu tư, đơn vị đó quản lý khai thác. Huyện miền núi Sông Hinh đưa ra mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ có 91% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch./.