Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành Quyết định số 3749 về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo quyết định này, các đoàn viên, người lao động là F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được tổ chức công đoàn hỗ trợ với một trong hai mức sau:
Hỗ trợ tối đa là 3.000.000 đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
|
Lấy xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động |
Nếu đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 thì thân nhân của họ được hỗ trợ là 5.000.000 đồng/người.
Cùng với đó, Công đoàn Việt Nam cũng quyết định hỗ trợ cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch COVID-19. Cụ thể, cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, đoàn viên, người lao động được công đoàn cấp trên cơ sở huy động tham gia công tác phòng chống dịch được chi hỗ trợ từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết (tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế phòng chống dịch) nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/năm.
Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sẽ có mức chi hỗ trợ từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết (tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch) nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/năm.
Mỗi đối tượng F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng được hưởng mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được chi hỗ trợ khi là F0 sau đó bị tử vong do COVID-19 thì thân nhân được hỗ trợ mức 5 triệu đồng/người như quyết định nêu.
Nguồn kinh phí để chi hỗ trợ được cân đối trong dự toán thu, chi tài chính công đoàn hằng năm, tài chính tích lũy và nguồn xã hội hóa tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp các đơn vị không tự cân đối được nguồn thu chi thì báo cáo Tổng Liên đoàn xem xét quyết định.
Quyết định số 3749 có hiệu lực từ ngày ký ban hành (15/12/2021).
Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 và Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ ngày 09/8/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Trường hợp đoàn viên, người lao động đủ điều kiện theo quy định của Quyết định 2606/QĐ-TLĐ hoặc Quyết định 3022/QĐ-TLĐ và đã được các cấp công đoàn tiếp nhận hồ sơ trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục giải quyết thực hiện chi hỗ trợ.
Trường hợp đoàn viên, người lao động bị dương tính với Sars-CoV-2 trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng thời gian điều trị liên tục kéo dài sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành và đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định này, chưa được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ và Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ thì được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.
|