Hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ cấu ngành nghề đào tạo

Thứ ba, 16/06/2020 10:00
(ĐCSVN) – Cho ý kiến về giáo dục đào tạo và dạy nghề, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề nghị, cần hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ cấu ngành nghề đào tạo giáo dục đại học, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo chất lượng dạy và học trong các cấp học…
 Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước). (Ảnh: Quốc Khánh)  

Đại biểu Phan Viết Lượng đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là các chính sách, quy định của các luật, nghị quyết mới ban hành.

Để khắc phục hạn chế nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu đề nghị phải thực sự ưu tiên nguồn lực, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học trong các cấp học; hoàn thiện văn bản và tổ chức hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, nhất là giải trình về chất lượng giảng dạy, công tác tuyển sinh, thu phí người học.

Đồng thời, hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ cấu ngành nghề đào tạo giáo dục đại học, dạy nghề, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị đối với giáo dục phổ thông, hướng dẫn về tiêu chí, định mức xây dựng và tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo để đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 20% và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực này.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) đánh giá: trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, Chính phủ đã có sự chỉ đạo rất sát sao, ngành giáo dục đào tạo đã có sự chủ động và nỗ lực rất lớn để ứng phó với dịch bệnh.

Trong khi hằng nửa tỷ học sinh trên thế giới phải nghỉ học do lo ngại dịch COVID-19 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt phương châm tạm dừng đến trường, không dừng học và thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa hoàn thành chương trình kế hoạch năm học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ cho các nhà trường dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Bộ Y tế có những quy định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học, nhất là khi học sinh đi học trở lại.

Tiếp đó, Bộ cũng đã ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II năm học 2019-2020, điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thi tốt nghiệp THPT phù hợp với tình hình thực tế. Đó là những cố gắng rất đáng ghi nhận của ngành giáo dục và đào tạo, trong khi nhiều nước ở châu Âu và châu Mỹ phải hủy kỳ thi tốt nghiệp THPT do dịch bệnh. Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị ngành giáo dục tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được trong thời gian qua.

Ghi nhận những kết quả ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian qua, nhiều đại biểu cũng đánh giá, Việt Nam cũng là nước đi đầu trong việc áp dụng biện pháp đóng cửa trường học trên toàn quốc như ngành giáo dục đã có bước chuyển ngoạn mục trong việc tổ chức dạy học online để đến ngày hôm nay dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò không phải chỉ ở trên lớp mà ở tất cả những thời điểm trong ngày./.

 

 

 

 

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực