Hội thảo nhằm chia sẻ và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhà quản lý làm cơ sở cho các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hướng về kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: MD)
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong hơn 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi người có công luôn được quan tâm, chú trọng, đã có khoảng trên 100 văn bản được ban hành của các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng các nghị quyết, nghị đinh, thông tư. Chính sách ưu đãi người có công đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và ưu đãi.
Thứ trưởng cho hay, đến nay đã có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh, toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu người có công. “Chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công được quy định ngày càng đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống. Trong đó, trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân như ưu đãi về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục tín dụng…” – Thứ trưởng Doãn Mâu Diệp khẳng định.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chỉ ra, trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ưu đãi người có công vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý đối tượng người có công.
Một số vấn đề trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho người có công chưa được nghiên cứu bổ sung, chưa thống nhất. Ông Doãn Mậu Diệp ví dụ “chưa có quy định chế đội ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt từ sau 30/4/1975; chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%...”.
Cũng nói về những vấn đề đặt ra qua thực tiễn triển khai chính sách, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi chỉ ra, tình trạng man khai hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ vẫn diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương, gây bức xúc trong dư luận, trong đó đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, theo ông Lợi, việc thi hành xử lý các kết luận thanh tra cũng còn gặp nhiều vướng mắc do đối tượng bị đình chỉ, cắt chế độ sai phạm nhưng vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Có nhiều trường hợp không có khả năng thu hồi số tiền đã hưởng sai chế độ do hoàn cảnh hiện nay thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã chết hoặc đang bị bệnh hiểm nghèo…
Hạn chế khác được ông Lợi nêu rõ là Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2005 (sửa đổi năm 2012) mặc dù đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhưng nguồn kinh phí chi trả cho người có công hàng năm chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, đối tượng có công lại khá lớn. Việc cấp kinh phí hàng năm vẫn trên cơ sở dự toán và cân đối ngân sách, do đó không ổn định.
Trong khi đó, Đại tá Ngô Quang Phúc – Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng phân tích khó khăn về điều kiện công nhận đối tượng người có công. Ông chỉ rõ, theo quy định của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, điều kiện xác nhận liệt sĩ (quy định tại điểm i, khoản 6, Điều 1); xác nhận thương binh (tại điểm h, khoản 12, Điều 1) quy định: “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm”. Tuy nhiên, tại Nghị định 31 của Chính phủ về xác nhận liệt sĩ, thương binh thì lại quy định hẹp hơn: “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm hoạ thiên tai”.
“Như vậy, quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ đã làm rõ hơn điều kiện, nhưng lại thu hẹp đối tượng có cùng điều kiện tương ứng và thực tế nhiệm vụ của Quân đội” – Đại tá Phúc nói.
Về thủ tục, hồ sơ, đại tá Phúc chỉ ra vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ đối với đối tượng diện tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, trình độ quản lý và với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thời kỳ... nên nhiều vấn đề về hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay; nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Phong trào Mặt trận Trung ương Hoàng Văn Chương nêu rõ, những vấn đề đang gặp khó khăn là giải quyết hơn 30 nghìn hồ sơ còn tồn đọng và xử lý 1870 trường hợp hưởng siu chế độ, chính sách.
Đề cập đến vấn đề nguyên nhân hồ sơ tồn đọng nhiều và một số trường hợp vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách người có công, ông Chương chỉ ra việc ban hành văn bản chính sách nhiều nhưng chưa đáp ứng đủ thực tiễn; công tác kiểm tra chưa toàn diện, thường xuyên; chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể nào về giải quyết, xử lý, thu hồi các trường hợp hưởng sai chính sách…Công tác truyền thông cũng còn hạn chế. Công tác giám sát, phản ánh, cung cấp thông tin của nhân dân chưa được quan tâm đúng mức…
Sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công
Từ thực tiễn trên, các đại biểu chỉ ra rằng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hê thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai, việc nâng Pháp lệnh lên thành luật hay giữ hình thức pháp lệnh còn nhiều ý kiến khác nhau.
Ông cho biết, kể từ khi Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng ban hành vào tháng 12/1994 đến nay đã có 6 lần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Ủy ban về các vấn đề xã hội ngay từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đã đề xuất việc nghiên cứu, xây dựng một đạo luật về người có công và tiếp tục khẳng định tại Khóa XII, XIII về sự cần thiết phải pháp điển hóa các quan hệ xã hội trong lĩnh vực ưu đãi người có công bằng một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao. Đầu nhiệm kỳ khóa XIV, khi thẩm tra dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh và các văn bản có liên quan; nghiên cứu xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung đầy đủ các vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan đến chính sách, bảo đảm tính khả thi về nguồn lực và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giữ hình thức pháp lệnh với mục tiêu kịp thời sửa đổi những bất cập, vướng mắc của Pháp lệnh hiện hành và tạo sự thuận lợi, linh hoạt khi cần điều chỉnh chính sách.
Về phía Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng phải trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về người có công với cách mạng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Chú trọng việc nghiên cứu một số vấn đề còn tồn tại cần hoàn thiện, bổ sung như tiêu chuẩn xác nhận đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng, các biện pháp trợ cấp, chăm lo, giúp đỡ người có công. Đồng thời, pháp luật ưu đãi người có công phải khả thi, phát huy tác dụng đối với người có công với cách mạng.
Cần phải sớm tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, xây dựng và ban hành Pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người công với cách mạng hiện hành để nhằm mục đích thực hiện tốt hơn chính sách đối với người có công, hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, đánh giá đúng tầm quan trọng của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như trong đời sống xã hội...
Về vấn đề này, bà Trần Hồng Nguyên - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc hoàn thiện theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công hiện hành hay xây dựng, ban hành Luật người có công cũng cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Theo bà, nếu không mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi người có công mà mục đích của lần sửa đổi này là khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là quy định về thủ tục thì nên lựa chọn việc sửa đổi Pháp lệnh vì: thực tế cho thấy, chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh của từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Và nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết do lịch sử để lại nên có những vấn đề có thể xử lý được ngay nhưng cũng có những vấn đề không thể một sớm, một chiều xử lý được, mà cần có thời gian đi sâu nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ mới đưa ra biện pháp xử lý.
Tuy nhiên theo bà, về lâu dài cần xây dựng và ban hành Luật người có công. Theo đó, điều chỉnh phạm vi, đối tượng rộng hơn, đầy đủ hơn, không chỉ là những người có công trong hai cuộc kháng chiến, những người tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, mà còn cả những người có công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới./.