Hội LHPN Việt Nam góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội

Thứ sáu, 06/10/2023 09:47
(ĐCSVN) - Nhiều năm liên tiếp, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam luôn đạt “6 nhất” trong hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; góp phần tiếp tục khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội.

Chị Hoàng Thị Huệ, dân tộc Mường ở thôn Mít Mái, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội được Hội Phụ nữ xã tín chấp cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng. Kết hợp với nguồn vốn tự có, chị Huệ đầu tư đàn bò sữa 16 con.

Mỗi ngày, gia đình chị Huệ thu được 110 kg sữa tươi, cung cấp nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì với mức giá bình quân 15 nghìn đồng/kg sữa tươi. Thu nhập mỗi tháng khoảng 50 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn được lợi nhuận 25 triệu đồng/tháng.

Gia đình chị Hoàng Thị Huệ ở thôn Mít Mái, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò sữa. 

Chị Nguyễn Thị Mỹ Bính - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Bài cho biết, ở xã chỉ có vài phụ nữ người dân tộc thiểu số có quy mô chăn nuôi bò sữa khá lớn như nhà chị Huệ. Còn lại đa phần chị em vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi 2 - 3 con bò. Song do mức giá thu mua sữa tươi của Công ty tương đối ổn định nên cũng tạo được nguồn thu nhập khá cho chị em. Vì thế, hiện nay, dù là xã có tới 40% dân số là người dân tộc thiểu số nhưng Yên Bài chỉ còn vài hộ nghèo vì các lý do già cả neo đơn hoặc ốm đau bệnh tật.

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, gia đình khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội.

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, nhận thức được ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN) luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực, tích cực trong hành trình cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mang đồng vốn chính sách đến với người dân nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội.

Để người dân hiểu rõ, hiểu đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách, đặc biệt là những chính sách mới, các chương trình tín dụng được Chính phủ ban hành, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam yêu cầu các cấp Hội luôn đổi mới, đa dạng hoá các kênh, phương thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; làm rõ nhận thức, trách nhiệm của hộ vay trong việc sử dụng vốn đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ gốc, lãi, tham gia tiết kiệm.

Nhằm hỗ trợ các hộ vay phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cấp Hội luôn chú trọng lồng ghép việc triển khai tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án, đặc biệt là 02 đề án của Chính phủ mà Hội được giao là cơ quan chủ trì thực hiện, đó là Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) và Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01).

9 năm qua (2014 - 2023), từ các nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án 939, hơn 13,6 triệu hội viên, phụ nữ đã được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua 197.140 cuộc tuyên truyền; hỗ trợ thành lập 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý, hỗ trợ 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ cho 50.665 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các gian hàng, các điểm giới thiệu sản phẩm an toàn do phụ nữ sản xuất.

Đồng thời, từ việc thực hiện Đề án 939, qua tham mưu đề xuất của Hội LHPN, nguồn vốn ủy thác của UBND tỉnh qua NHCSXH để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được tăng lên. Các tỉnh Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đắk Lắk còn ưu tiên dành nguồn vốn hoặc thành lập nguồn tín dụng riêng cho phụ nữ khởi nghiệp và uỷ thác qua NHCSXH với số vốn tăng hàng năm.

Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đối tượng vay vốn tín dụng chính sách, hàng năm, Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn về tài chính toàn diện, quản lý tài chính cá nhân và hộ gia đình, giúp hộ vay có thêm hiểu biết, kiến thức về tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đẩy mạnh hướng dẫn các hộ vay vốn, hội viên, phụ nữ gửi tiết kiệm tại NHCSXH và các tổ chức tín dụng chính thức, tạo nguồn vốn tự có cho gia đình, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng hoàn trả vốn. Qua đó, dư nợ tiết kiệm từ các tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) NHCSXH do Hội quản lý luôn tăng trưởng cao, chiếm 40,8% tổng dư tiết kiệm của NHCSXH.

Hội LHPN các cấp đã phối hợp tổ chức hàng chục ngàn lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội và Ban quản lý Tổ TK&VV, biên soạn và phát hành gần 14.000 cuốn sổ tay hướng dẫn tới 100% Tổ TK&VV trung bình và yếu. Chính vì vậy, chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV được nâng lên hàng năm, tỷ lệ tổ tốt đạt trên 93%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình toàn quốc (91,6%), tỷ lệ tổ yếu giảm còn 0,13%, thấp hơn trung bình toàn quốc 0,16%.

Với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ hàng triệu hộ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, góp phần không nhỏ trong cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có một bộ phận hội viên, phụ nữ.

Theo bà Hà Thị Nga, công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, với tốc độ tăng trưởng dư nợ ủy thác trong giai đoạn 2014 - 2022 đạt bình quân 8,63%.

Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đạt trên 115 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 38,22% trong tổng dư nợ của các đoàn thể nhận uỷ thác); tỷ lệ nợ quá hạn 0,13% (thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc 0,16%); số dư tiết kiệm đạt gần 6,64 ngàn tỷ đồng (chiếm 40,8% tổng số dư tiền gửi tổ viên tại NHCSXH).

Cán bộ Hội LHPN huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thăm và đối chiếu việc sử dụng vốn vay của khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Mức độ bao phủ vốn ủy thác NHCSXH chiếm 98,41% số cơ sở Hội, tỷ lệ “xã trắng” chưa nhận ủy thác thấp 1,59% (169 xã); chất lượng tổ khá, tốt đạt trên 98%. Những kết quả này đã giúp tổ chức Hội LHPN Việt Nam, trong nhiều năm liên tiếp luôn đạt được “6 nhất”: Dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số tổ TK&VV nhiều nhất; tỷ lệ thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; tổ TK&VV có chất lượng tốt nhất trong hoạt động ủy thác với NHCSXH.

Kết quả hoạt động trên góp phần giúp tổ chức Hội tập hợp, thu hút hội viên, xây dựng tổ chức vững mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng chục ngàn lao động thất nghiệp, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã có tác động sâu sắc, góp phần ổn định thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung và người lao động nói riêng./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực