|
TS. Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
Ảnh: TL
|
Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và 65 năm thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (14/12/1959 - 14/12/2024), TS. Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên về những thành tựu nổi bật của ngành trong suốt hơn 6 thập kỷ qua và những định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
PV: Nhìn lại chặng đường hơn 65 năm xây dựng và phát triển của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, theo ông, đâu là những điểm nhấn trên hành trình đó?
Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: Cách đây 65 năm, vào ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng và ngày 14/12 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, những người làm công tác đo đạc và bản đồ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nhằm sản xuất và cung cấp kịp thời bản đồ cho chiến trường; cung cấp số liệu đo đạc, bản đồ phục vụ công tác điều tra cơ bản, quản lý lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước và nâng cao dân trí của xã hội.
Với khối lượng dữ liệu của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam hiện nay, phải khẳng định rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia có nguồn dữ liệu nền địa lý đầy đủ hàng đầu trong khu vực, kịp thời phục vụ công tác quy hoạch, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Trong những năm gần đây, các kết quả đo đạc và bản đồ còn là nguồn tư liệu, đóng góp vào việc phát triển "kinh tế xanh". Các kết quả đo đạc và bản đồ là dữ liệu cơ bản giúp cho ngành TN&MT triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Bộ TN&MT và của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, các hoạt động đo đạc và bản đồ biên giới đã phục vụ đắc lực cho việc phân định ranh giới quốc gia trên đất liền, trên biển với các nước láng giềng, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của đất nước và ổn định chính trị trong khu vực.
Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã ngày càng phát triển, cả về tổ chức, lực lượng và tiềm lực khoa học kỹ thuật với đội ngũ hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp với thiết bị, công nghệ hiện đại.
PV: Những kết quả trên đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá và ghi nhận như thế nào, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: 65 năm qua, ngành Đo đạc và Bản đồ đã ghi được những dấu ấn quan trọng. Những thành tích nổi bật trong chặng đường vừa qua là nhờ sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ TN&MT, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các đơn vị đo đạc và bản đồ trong và ngoài Bộ TN&MT và đặc biệt là sự nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thử thách của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành qua các thời kỳ.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Đo đạc và Bản đồ trong suốt chặng đường 65 năm qua, Đảng, Nhà Nước, Chính phủ đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân của Ngành.
Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2004, Huân chương Độc lập Hạng Nhì năm 1994, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014.
Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1989, Huân chương độc lập hạng Nhì năm 2019, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị năm 2016 và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huy chương hữu nghị cho 04 cá nhân năm 2016…
Bên cạnh đó, 2 Công ty Đo đạc ảnh địa hình và Công ty Đo đạc địa chính công trình và GS.TSKH. Đặng Hùng Võ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhiều công trình, như Cụm công trình “Xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ Quốc gia VN-2000 và ứng dụng hệ định vị toàn cầu (GPS) vào đo đạc - bản đồ Việt Nam”, Công trình Atlat quốc gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
PV: Giai đoạn tới, trong xu hướng chuyển đổi số, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm: Để đáp ứng kịp thời yêu cầu sự nghiệp phát triển của đất nước trong bối cảnh phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề cụ thể.
Trước hết, ngành sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ theo hướng kiến tạo thể chế để phát triển bền vững, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với trình độ khoa học công nghệ đo đạc và bản đồ, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng đo đạc, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.
Cùng với đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác, thuận lợi cho việc sử dụng chung tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về kiến trúc hệ thống của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý gồm các tiêu chuẩn về kiến trúc mạng, hạ tầng thông tin mạng.
Thiết lập hệ quy chiếu và hệ tọa độ không gian quốc gia thống nhất trên đất liền và trên biển trên cơ sở hoàn thiện: mạng lưới tọa độ quốc gia; mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia; mạng lưới độ cao quốc gia; mạng lưới trọng lực quốc gia và mô hình geoid trên lãnh thổ Việt Nam.
Quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia an toàn, đảm bảo cung cấp dữ liệu nền địa lý, bản đồ địa hình quốc gia các tỷ lệ chính xác, kịp thời phục vụ xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Riêng đối với công tác biên giới và địa giới, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để đảm bảo công tác kỹ thuật phục vụ công tác đàm phán 16% đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; chuẩn bị các điều kiện nhân lực, kỹ thuật phục vụ triển khai công tác phân định ranh giới trên biển với các quốc gia trong khu vực, góp phần ổn định tình hình chính trị và tăng cường hợp tác phát triển trong khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!