Khám phá du lịch nông nghiệp, làng nghề Hưng Yên

Thứ năm, 18/07/2024 14:49
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hưng Yên là tỉnh giàu truyền thống văn hóa nổi tiếng với câu ca: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Về Hưng Yên, du khách không chỉ được đắm mình trong quần thể di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống, cảm nhận các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một địa danh đã từng là cảng thị phát triển ở thế kỷ 16,17 mà còn được khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, làng nghề, thưởng thức các đặc sản nổi tiếng ở vùng đất này.
 Cây nhãn tổ, hơn 400 năm tuổi tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên - một biểu tượng của xứ nhãn lồng.

Đến với Hưng Yên, vùng đất nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, du khách có thể thư thái dạo chơi, cảm nhận sự đổi mới trong thời kỳ hội nhập nhưng vẫn bảo tồn, lưu giữ được nét đẹp và sự thanh bình của làng quê thuần Việt với cây đa, giếng nước, sân đình và những ngôi nhà cổ và có thể hòa mình vào nếp sống, sinh hoạt truyền thống của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về vùng đất này du khách có thể đạp xe, dạo bộ trên những con đường làng được trải bê tông sạch sẽ. Trong những hè oi ả, về đây khách được ngắm nhìn hoa phượng nở rực màu đỏ trên nền trời xanh hay tận hưởng sự dịu dàng, tinh khiết với mùi hương thơm ngát của hoa sen. Từ trên các triền đê, uốn lượn quanh co, trải dài từ huyện Văn Giang đến các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, TP Hưng Yên... ngoài những cánh đồng lúa trải dài, du khách sẽ được ngắm nhìn những vườn cây trái, hoa, cây cảnh xanh ngát bốn mùa, những vùng chuyên canh nông nghiệp sạch theo quy trình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Khi nói đến Hưng Yên, nhiều người biết đến đặc sản nhãn lồng ngon nổi tiếng. Hiện ở Hưng Yên có khoảng 3.300 ha nhãn trồng tập trung ở TP Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ và một số vùng phụ cận, cho sản lượng hàng năm khoảng 40.000 tấn quả. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có trên 155 ha nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, tập trung ở xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu), những diện tích nhãn VietGap được Bộ Công Thương cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ và một số thị trường nước ngoài khác. Những năm gần đây tại Hưng Yên đã có “vườn bảo tồn gen giống nhãn lồng” cung cấp cây giống đạt chuẩn cho nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời người dân cũng chú trọng, tích cực cải tại vườn tạp, nên nhãn lồng Hưng Yên có chất lượng cao đạt trên 90% diện tích.

Hát trống quân tại vườn nhãn - một nét văn hóa truyền thống của Hưng Yên. 

Cùng với nhãn lồng, Hưng Yên cũng nổi tiếng với các sản phẩm Mật ong hoa nhãn có mùi hương hoa nhãn đặc trưng, màu sắc đẹp, mang lại nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe con người; hoặc với vải lai chín sớm Phù Cừ, quả chín có vị ngọt thanh, cùi dày, ít bị sâu núm, chín sớm gần một tháng so với các loại vải quả khác. Ngoài ra còn có bưởi, cam , quýt Hưng Yên; chuối tiêu hồng; nghệ vàng Khoái Châu; gà Đông Tảo; bò thịt cao sản… Tại huyện Văn Giang sát với Thủ đô Hà Nội là vùng đất nổi tiếng nghề trồng cây cảnh: Quất, cam, bưởi, đào tiên, sanh, si, lộc vừng…, các loại quả ngon: Cam, bưởi, quýt và hàng trăm loại hoa: Hồng, cúc, dạ yến thảo, cát tường, trà, lý, lan, hải đường, ngọc minh châu, trạng nguyên các sản phẩm nơi đây đi khắp cả nước và một số xuất đi nước ngoài . Vào dịp Tết, nơi đây như bức tranh Xuân sống động, rộn ràng, luôn tấp nập khách đến ngắm hoa, cây cảnh, mua, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp về hoa. Cách không xa, có làng hoa Như Quỳnh (Văn Lâm) cũng luôn thu hút đông khách nhất là các bạn trẻ đến khám phá, nơi đây chuyên trồng các loại hoa truyền thống: Huệ, hồng, cúc… và các loại mới như: Đồng tiền, loa kèn… tạo nên nét riêng, hương sắc mới của vùng quê này.

Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp, Hưng Yên cũng có nhiều sản phẩm độc đáo của các làng nghề. Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên có 49 làng nghề, trong đó có 36 làng nghề được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận. Trong nhóm các nghề đang có xu hướng phát triển mạnh là thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, gốm sứ, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm. Nổi bật nhất có 8 làng nghề truyền thống đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu như: Đúc đồng Lộc Thượng, làng nghề Tương Bần, hương Cao Thôn, làng nghề chế biến long nhãn Phương Chiểu, chạm bạc Huệ Lai, rượu Trương Xá, hoa cây cảnh Xuân Quan, đan đó Thủ Sỹ… Hưng Yên còn hấp dẫn, thu hút du khách bới nét ẩm thực độc đáo như: hạt sen, chè hạt sen long nhãn, bún thang, ếch om Phượng Tường, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, bánh cuốn…

 Nghề làm hương xạ thôn Cao.

Ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao (VHTTDL) Hưng Yên cho biết: Phát huy tiềm năng và lợi thế, Hưng Yên đã và đang quan tâm, đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch của Hưng Yên nói chung, trong đó có sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, làng nghề ngày càng đa dạng hơn và từng bước được cải thiện về chất lượng. Theo ông Hiệu, thời gian qua, các Công ty Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội, Sở VHTTDL các địa phương kết hợp với Sở VHTTDL Hưng Yên đã tổ chức các tour du lịch khám phá Hưng Yên theo hành trình “Một ngày trên sông Hồng”; tour khám phá Hà Nội - làng cổ Đại Đồng; Hà Nội - Phố Hiến Tiểu Tràng An; Hà Nội - Hưng Yên cùng trải nghiệm vườn nhãn lồng tại TP Hưng Yên - làng hương xạ thôn Cao, làng nghề đan rọ, đan đó Thủ Sỹ… Theo các chặng hành trình, du khách cảm nhận được nét đẹp, sự thanh bình, không khí trong lành của làng quê, trải nghiệm, thưởng thức các đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của Hưng Yên cùng nhau khám phá, trải nghiệm công việc, nếp sống sinh hoạt cộng đồng, tìm hiểu và cùng tham gia thực hiện quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống.

 Nghề đan đó truyền thống ở Thủ Sỹ.

Hiện nay, về với Hưng Yên, du khách được khám phá, trải nghiệm các tour tham quan du lịch nông nghiệp, làng nghề như: Khám phá, trải nghiệm, thưởng thức đặc sản nhãn lồng; chế biến long nhãn Phương Chiểu; chuối tiêu hồng Khoái Châu và cam, bưởi, quýt ngọt ở các huyện ven TP Hưng Yên. Du khách cũng được khám phá, trải nghiệm làm một số công đoạn như: Quấn hương, bắn hương… tại làng nghề hương Cao Thôn (TP Hưng Yên) sản phẩm đặc trưng với nguyên liệu chủ yếu là thảo mộc. Cùng nhau đan, tạo dáng cho sản phẩm: Đó, rọ, lờ, giỏ, nơm... từ tre, nứa ở làng nghề đan rọ, đó Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ). Xem biểu diễn hát trống quân trong không gian vườn nhãn... Vào những ngày cuối năm, nhất là vào dịp Tết rất đông du khách tổ chức theo đoàn và các nhóm nhỏ đến tham quan, chụp ảnh, mua sắm các loại hoa, cây cảnh tại Văn Giang và Như Quỳnh.

Bài, ảnh: N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực