|
Ảnh minh họa |
Trong lịch sử Việt Nam luôn có những tấm gương phụ nữ anh hùng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, có rất nhiều phụ nữ không ngừng vươn lên, thành công trong các lĩnh vực, giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Nhắc đến những người phụ nữ quyền lực, không thể không nhắc tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà chính là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử nước ta. Gần đi hết nhiệm kỳ khóa XIV, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của bà đã để lại các dấu ấn trong góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đem lại hiệu quả tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước.
Cũng xin nói thêm, kể từ Quốc hội khóa I năm 1946, đội ngũ cán bộ nữ đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,72% và đến nay là 27,1%, cao hơn so với trung bình của khu vực Châu Á và toàn thế giới.
Cùng với đó, nhiều cán bộ nữ được giao trọng trách, giữ những cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như các cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp. Điển hình mới nhất, trong 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 Ủy viên là nữ (chiếm 9,5%), trong đó 18 Ủy viên chính thức (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Bí thư Trung ương Đảng) và 1 Ủy viên dự khuyết.
Trong lĩnh vực khoa học, thực tế cho thấy, những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không ngừng tăng, ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Với những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học nữ đã đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Theo kết quả bình chọn 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020 do Tạp chí Asian Scientist (Singapore) công bố, Việt Nam có 3 nhà khoa học nữ được vinh danh trong danh sách này là PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, TS Phạm Thị Thu Hà và TS Trần Thị Hồng Hạnh.
Bên cạnh sự tham gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước, trong lĩnh vực kinh tế vai trò của nữ giới cũng đã phát huy được tầm ảnh hưởng. Tại Việt Nam, phụ nữ làm chủ khoảng 27% tổng số doanh nghiệp chính thức trên thị trường. Năng lực ảnh hưởng của phụ nữ Việt Nam cũng không kém lãnh đạo nam giới.
Thực tế, trong thành công của nhiều doanh nghiệp có công sức của những “nữ tướng” tài sắc vẹn toàn.
Một trong những "nữ tướng" ấy là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet, Phó chủ tịch thường trực HDBank. Đến nay, bà đã bốn lần liên tiếp được tạp chí Forbes bầu chọn vào danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới và là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này.
Một “bóng hồng” quyền lực khác trên thương thường là bà Thái Hương - nhà sáng lập TH True Milk. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đến nay TH True Milk đã đạt được thành quả và sự ghi nhận từ cộng đồng - trở thành thương hiệu không thể thiếu trong tủ lạnh nhiều gia đình Việt.
Bà Thái Hương đã nhiều lần được vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam công bố. Bà cũng đã được Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015, 2016, ghi dấu ấn là “người đàn bà sữa” quyền lực của Việt Nam.
Ngoài những người thật sự xuất sắc như vậy, còn có rất nhiều những người phụ nữ khác, tuy chưa đạt mức chuẩn để đưa vào xếp hạng của Forbes hoặc của các tổ chức trong khu vực, nhưng thực sự họ là những gương mặt nữ kinh doanh xuất sắc mà cộng đồng kinh doanh Việt Nam đều thừa nhận.
Bản lĩnh trên thương trường, nhân hậu giữa đời thường, họ cũng luôn đồng hành cùng Chính phủ triển khai các chương trình an sinh xã hội lớn, các hoạt động xã hội, xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.
Ngày 8/3 này, cũng không thể không nhắc tới những người phụ nữ là tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, tạo nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Đó là bà Lê Thị Thanh Thủy, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đang tổ chức và duy trì việc nuôi 68 trẻ em khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam và mở quán cơm từ thiện Nghĩa Tình, phục vụ miễn phí cho người nghèo khó, cho nạn nhân da cam, cho người khuyết tật, bệnh nhân nghèo tại thành phố Vũng Tàu với số tiền bỏ ra đến nay lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đó là bà Nguyễn Thị Hồng, 15 năm qua, bà đã dành toàn bộ tiền của gia đình xây dựng cơ sở tại tỉnh Đồng Nai để cưu mang, chăm sóc 76 cụ già không người thân, không nơi nương tựa, trong đó có 37 cụ nhiều năm nằm liệt giường, bị thần kinh…
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, có nhiều hình ảnh xúc động về bác sĩ, y tá ,điều dưỡng, nhân viên y tế, trong đó có câu chuyện cảm động về những bông hồng áo trắng kiên cường chống dịch. Họ phải tạm rời xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu với đại dịch. Có những nữ bác sĩ nửa năm không về; có nữ y tá trẻ vừa lên xe hoa đã phải xa chồng đi làm nhiệm vụ... Họ sẵn sàng “xuống tóc" chăm sóc người bệnh trong khu cách ly; cũng sẵn sàng xung phong cùng đồng nghiệp tình nguyện lên đường lao vào tâm dịch… Tất cả vì cuộc chiến với đại dịch vì sự an toàn tính mạng cho hơn 90 triệu người dân.
Trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 này, hình ảnh nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; hay những nữ doanh nhân thành đạt như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Thái Hương; các nữ y bác sĩ đang căng mình trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, hay những người phụ nữ có những cống hiến thầm lặng vì cộng đồng …. không chỉ khẳng định bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam mà còn truyền cảm hứng cho giới nữ, nhất là thế hệ trẻ./.