Không có đề án “xuất khẩu” cử nhân, thạc sĩ

Thứ năm, 09/03/2017 17:29
(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp khẳng định: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Đề án đưa lao động qua đào tạo có trình độ đi lao động ở nước ngoài, không hề chỉ đạo xây dựng Đề án đưa cử nhân, thạc sĩ đi nước ngoài”.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: KS)

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH giao Cục quản lý Lao động ngoài nước xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến 2025" để trình Chính phủ. Trong Đề án đang xây dựng hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu lao động trình độ cao ở một số ngành nghề như hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức; cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử sang Hàn Quốc và hướng đến một số thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech...

Ngay từ khi có thông tin, Đề án này đã nhận được sự quan tâm của xã hội. Trong đó, nhiều người cho rằng đề án này nhằm đưa số thạc sĩ, cử nhân đang thất nghiệp đi lao động nước ngoài.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định lại: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Đề án đưa lao động qua đào tạo có trình độ đi lao động ở nước ngoài, không hề chỉ đạo xây dựng Đề án đưa cử nhân, thạc sĩ đi nước ngoài”.

Ông Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, các nước có nhu cầu lao động ở các phân khúc khác nhau, có thể cần lao động làm công việc giản đơn mà lao động trong nước họ không làm, có thể cần lao động có trình độ cao. “Điều quan trọng nhất là chúng ta đào tạo, chuẩn bị nhân lực để chiếm lĩnh được những phân khúc thị trường có thu nhập tốt” – ông nói.

Để làm được điều này, theo ông Doãn Mậu Diệp phải nâng cao chất lượng dự báo, Ban quản lý lao động các thị trường phải thường xuyên cập nhật thông tin để cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước, định hướng chuẩn bị tốt hơn nguồn lực chiếm lĩnh những thị trường tốt hơn về việc làm.

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, hàng năm đưa đi được từ 100 đến 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70-80% là lao động đã qua đào tạo. Giữ vững các thị trường truyền thống, duy trì đưa được từ 60 đến 65 nghìn lao động mỗi năm sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), 20 đến 35 nghìn lao động sang Nhật Bản. Đồng thời mở rộng các thị trường tiếp nhận lao động có trình độ cao, phấn đấu đưa được từ 5 đến 6 nghìn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức.

Trong Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mới đây, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh xuất khẩu lao động, không chỉ coi đây là kênh giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo mà còn là chiến lược thúc đẩy việc làm bền vững, qua đó huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế. Để nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo số lượng và chất lượng người lao động ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng, tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp cải tổ xuất khẩu lao động. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp; Duy trì, phát triển các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiếp nhận mới; Nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, ý thức cho người lao động trước khi cung ứng ra nước ngoài; Mở rộng đối tượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực