|
Ảnh minh họa: B.T |
Theo báo cáo số 59/BC-PCTT của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, vào hồi 11h30 phút ngày 9/11/2022, khu vực đê bao Cồn Phú Đa thuộc Tổ 15, ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách đã xảy ra sạt lở làm vỡ 70m đê bao, gây ngập 2 căn nhà và khoảng 2 ha cây ăn trái.
Ngay sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân bị ngập di dời đồ đạc đến nơi an toàn; đồng thời căng dây, cắm biển cảnh báo, cử lực lượng túc trực để theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Dự kiến, khi mực nước sông Cổ Chiên xuống sẽ tổ chức gia cố chống tràn khu vực bị sạt lở.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ ngày 10 - 11/11, mực nước tại trạm Vũng Tàu duy trì ở mức cao, dao động 4,15 - 4,25m. Độ cao sóng tại khu vực ven biển Bình Thuận - Cà Mau dao động 2 - 3m, biển động. Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp sóng lớn, khu vực ven biển các tỉnh Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Bên cạnh đó, dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều. Đến ngày 13/11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,42m; tại Châu Đốc ở mức 2,32m; các trạm hạ lưu ở mức báo động 2.
Triển khai ứng phó với thiên tai, các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục theo dõi diễn biến gió mạnh trên biển, thông tin đến tổ chức, tàu thuyền đang hoạt động trên biển và người dân để chủ động ứng phó, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin triều cường, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.