(ĐCSVN) – Đã từ lâu, làng trẻ mồ côi Hoa Phượng được coi là mái nhà chung của rất nhiều trẻ em không nơi nương tựa ở TP Hải Phòng. Hơn 20 năm qua, biết bao mảnh đời bất hạnh đã lớn lên, trưởng thành từ tấm lòng và tình yêu thương của những người phụ nữ mà các em vẫn gọi bằng “mẹ” đầy trìu mến.
Đến thăm Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng vào một ngày tháng 6 oi ả, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những ngôi nhà ngăn nắp, gọn gàng và được đặt bằng tên của những loài chim như Vành Khuyên, Họa Mi, Sơn Ca, Hải Âu, Vàng Anh…
Bà Lương Thị Hảo, Giám đốc của Làng cho biết: Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng được thành lập năm 1992 với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em, bao gồm: trẻ mồ côi không nơi nương tựa; trẻ bị bỏ rơi, khuyết tật; trẻ là con của những phạm nhân đang chấp hành án; trẻ lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TP. Hải Phòng. Hiện nay, Làng đang chăm sóc, nuôi dạy 59 trẻ, trong đó có 11 cháu mồ côi, 30 trẻ bị bỏ rơi, 15 trẻ khuyết tật, 7 trẻ là con của phạm nhân và 18 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khác. Việc nuôi dưỡng các cháu được thực hiện theo mô hình gia đình, nhằm giúp các em có một mái ấm gia đình thực sự. Với mô hình này, hiện Làng có 8 gia đình, mỗi gia đình có 1 mẹ nuôi và 1 dì, chăm sóc từ 6 đến 8 cháu, thời gian 24/24 giờ.
|
Hằng ngày sau mỗi giờ học, các em lại cùng nhau đọc sách và chơi những trò chơi bổ ích tại thư viện của Làng. (Ảnh: KS) |
Hơn 20 năm qua, dù đã rất nỗ lực nhưng Làng vẫn còn đó nhiều nỗi lo. "Do các trẻ trong làng gồm nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh, nên việc chăm sóc, nuôi dạy gặp khá nhiều khó khăn. Các em bình thường, đến tuổi đi học còn đỡ chứ với trẻ sơ sinh chúng tôi phải tập trung nhiều mẹ cùng chăm sóc. Đối với trẻ lang thang là con của các phạm nhân, do bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, nên việc giáo dục sinh hoạt cho các cháu cũng là một hạn chế”, cô Hảo chia sẻ.
Thêm vào đó, trình độ của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là các mẹ trực tiếp nuôi dạy trẻ còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sẵn có và tìm tòi học hỏi, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công việc. Các mẹ nuôi phải chăm sóc các cháu 24/24 giờ, đòi hỏi áp lực, sự hi sinh rất nhiều. Hiện trong số 8 gia đình với 8 mẹ nuôi có một số mẹ đã đến tuổi nghỉ hưu, song vì chưa tuyển dụng được người nuôi mới, nên Làng vẫn phải ký hợp đồng với các mẹ để tiếp tục công việc của mình.
Ghé thăm ngôi nhà của mẹ Trương Thị Vương, tôi không kìm nổi xúc động khi nghe những tâm sự tận đáy lòng: “Mỗi cháu ở đây đều có một hoàn cảnh riêng nhưng tôi biết hơi ấm của gia đình, tình thương của mẹ và tình cảm anh chị em là những điều cháu nào cũng muốn. Trong gia đình, có cháu Mai Thị Hiền Hòa là đáng thương nhất, bị mẹ bỏ rơi khi vừa sinh ra, cháu lại hở hàm ếch và viêm tai giữa nặng. Chưa có điều kiện phẫu thuật, nhiều khi cháu đau, cháu khóc suốt đêm mà mẹ và anh chị em không biết làm thế nào”, mẹ Vương tâm sự.
Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cho tới đêm khuya, biết bao công việc đều qua bàn tay mẹ Vương. Nào là chuẩn bị bữa ăn, lau rửa, giặt giũ; nào là đưa con đi học, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa. Có những lúc nửa đêm con ốm, một mình mẹ lại tất tả đưa con đến bệnh viện chạy chữa. Vất vả là thế, nhưng chị Vương cũng có những lúc phải bật cười khi nhắc đến sự hiếu động của các con: “Ở đây mỗi đứa một tính, vì thế nhiều khi mẹ phải đứng ra làm trọng tài cho những cuộc tranh cãi không dứt. Cái khó nhất không phải là tìm ra ai đúng, ai sai mà tôi phải làm sao để các cháu hiểu được đó là công bằng, là anh em một nhà các con phải yêu thương, đùm bọc nhau, không để bất kỳ cháu nào bị mặc cảm, tổn thương…”, chị tâm sự.
|
Mẹ Lưu Thị Bích Nữ không cầm được nước mắt khi nói về đứa con không may bị bệnh tim bẩm sinh. (Ảnh: KS) |
Trong số các mẹ ở làng, có lẽ chị Lưu Thị Bích Nữ là người vất vả nhất vì các con đều là trẻ bị khuyết tật. Nhà có 8 người con thì cháu bị mù lòa, cháu bị bệnh tim, có những cháu cả ngày chỉ nằm một chỗ không đi lại được. Vất vả nhưng chị chưa hề có ý xin thôi để làm công việc khác. Chị chia sẻ: “Đã từng chăm sóc các cháu ở trường mầm non song ở đây tôi hầu như phải học lại từ đầu. Với các cháu bình thường, các con có thể tự làm một số công việc đơn giản, nhưng với các cháu khuyết tật, tôi và dì phải lo hết từ tắm rửa, ăn uống, vệ sinh. Tối đến dì không ở đây thì tất cả mọi việc chỉ có mình mẹ xoay xở”.
11 năm gắn bó với làng, chị Nữ đã hơn 1 lần rơi nước mắt trước sự ra đi của những đứa con mà mình ngày ngày vẫn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Chị xúc động: “Bản thân mỗi cháu ở đây đều mắc trong mình một căn bệnh quái ác từ khi lọt lòng, chính vì vậy đảm bảo sức khỏe cho các con là rất khó khăn. Năm 2011, có một cháu bị viêm phổi nặng, mặc dù làng và các bác sỹ đã tìm đủ mọi cách để chạy chữa nhưng cháu cũng không qua khỏi. Mỗi lần nhớ cháu nước mắt tôi lại tràn ra vì các con bất hạnh quá. Các con không cha, không mẹ, nay đến cuộc sống như bao đứa trẻ khác các cháu cũng không có”.
Tâm sự về nghề, chị nói: “Mình đã chọn công việc này thì xác định sẽ gắn bó với các con cho đến khi không còn sức nữa. Tôi chẳng mong gì hơn ngoài việc các con được quan tâm hơn về cả vật chất lẫn tinh thần. Niềm vui của tất cả các mẹ ở đây đều đơn giản thôi, đó là nhìn thấy các con khỏe mạnh và trưởng thành”.
Tám mái nhà ở Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng trong hơn 20 năm qua đã nuôi dạy được 248 lượt trẻ em. Biết bao em nhỏ đã lớn lên từ tấm lòng, tình yêu thương của các mẹ, rồi trưởng thành và đi tìm hạnh phúc riêng của mình. Nhưng có lẽ, Làng Hoa Phượng với những ký ức về thời thơ ấu, về những người mà các em yêu quý, sẽ mãi đi cùng các em trong cuộc đời./.