Lao động di cư ra thành thị là xu hướng ngày càng phổ biến

Thứ ba, 27/08/2013 14:34

(ĐCSVN) – Lao động di cư ra thành thị và các khu công nghiệp là xu hướng ngày càng phổ biến trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Không có việc làm và việc làm thu nhập thấp là những lý do chính thúc đẩy lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp.

 

Không có việc làm và việc làm thu nhập thấp là những lý do chính
thúc đẩy lao động di cư từ nông thôn ra thành thị (
(Ảnh: Kim Thanh)

Đây là kết quả dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố.

Dự án được thực hiện từ tháng 4/2012 đến tháng 8/2013, khảo sát thực địa tại 15 tỉnh, thành phố với mục tiêu dài hạn là góp phần cải thiện đời sống của người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và khu công nghiệp tại Việt Nam, lao động ở khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thông qua việc ban hành các chính sách, cơ chế quản lý, hỗ trợ nhóm đối tượng lao động nêu trên.

Theo kết quả của dự án, lao động di cư ra thành thị và các khu công nghiệp là xu hướng ngày càng phổ biến trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Không có việc làm và việc làm thu nhập thấp là những lý do chính thúc đẩy lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp. Lao động di cư có độ tuổi trẻ, 69,9% lao động di cư dưới 30 tuổi. Đáng lưu ý, xu hướng nữ hóa lao động di cư khá phổ biến, tỷ lệ lao động nữ di cư chiếm 68,3%. Có tới 66,1% lao động di cư không có chuyên môn kỹ thuật. Trong quá trình di cư, người lao động phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến việc làm, nhà ở và môi trường sống… và phần lớn lao động di cư phải tự xoay sở khi đối mặt với những khó khăn này.

Về vấn đề nhà ở, có tới 86,3% lao động di cư phải thuê nhà ở và chỉ có 2,9% đã mua được nhà. Tiền thuê nhà, điện nước sinh hoạt chiếm tới 23% thu nhập của người lao động. Đặc biệt, hơn 85% lao động di cư phải trả tiền điện, nước sinh hoạt theo giá của chủ nhà và cao gấp 2-3 lần giá theo quy định. Mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất đối với lao động di cư là tìm nhà ở/thuê giá rẻ.

Chính vì những khó khăn về nhà ở, tích lũy hạn chế khiến đại đa số lao động di cư không có định hướng lâu dài cho công việc của họ, gần 60% lao động di cư không biết dự định sẽ sinh sống ở địa phương nơi làm việc trong bao lâu và chỉ có 7,5% lao động quyết định sẽ định cư hẳn.

Cũng theo công bố, rất ít lao động nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước để khắc phục khó khăn khi di cư. Có tới 67,1% người lao động tự khắc phục khó khăn; 18,5% nhờ bạn bè, đồng hương giúp đỡ và 15,7% nhờ họ hàng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực