Lập quy hoạch các ga đường sắt trong đô thị

Thứ sáu, 14/01/2022 15:27
(ĐCSVN) – Cục Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức lập quy hoạch chi tiết các ga đường sắt quốc gia hiện có trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế trình Bộ Giao thông Vận tải.

Ngày 14/1, thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong năm nay, Cục sẽ tổ chức lập quy hoạch chi tiết các ga đường sắt quốc gia hiện có trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Mục tiêu là để quản lý đất dành cho đường sắt theo quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất và kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

 Ga Sài Gòn tọa lạc tại số 1 đường Nguyễn Thông, Phường 9, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 1 km.

Đồng thời, Cục còn chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, các địa phương để tiếp tục giới thiệu, công bố quy hoạch tuyến đường sắt. Trong đó, tập trung vào các địa phương có nhu cầu, khả năng kết nối với mạng đường sắt hiện có, trung tâm logistics như: Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Vũng Tàu…

Bên cạnh đó, Cục Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành trong giai đoạn 2021 – 2025 để quản lý và xúc tiến đầu tư theo quy hoạch mạng lưới đường sắt được phê duyệt, cụ thể: Quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Quy hoạch tuyến và ga đường sắt các khu đầu mối TP Hà Nội, TP.HCM; Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; Quy hoạch các ga đường sắt quốc gia hiện có trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã có kiến nghị triển khai nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng thành tuyến đường sắt tốc độ cao.

Cũng theo tỉnh Lạng Sơn, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Ga Đồng Đăng ước đạt 162,4 triệu USD (tăng 65,6% so với cùng kỳ). Thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa; nhất là tuyến đường bộ kết nối từ tuyến quốc lộ vào ga không đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa ra, vào ga.

Tuyến đường sắt từ Ga Đồng Đăng kết nối tới Ga Gia Lâm (Hà Nội) và đến các tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh phía Nam để chở hàng hóa đang gặp khó khăn do khác khổ đường sắt, dẫn đến phải chuyển tàu, tăng chi phí bốc xếp, kho bãi… Điều này ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của ga và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này.

Vì vậy, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị đầu tư xây dựng mới, thực hiện bảo trì và nâng cấp kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) nhằm đáp ứng được nhu cầu xuất nhập cảnh và giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, sớm đầu tư diện rộng và đồng bộ hệ thống toa tàu container chạy đông lạnh để phục vụ vận chuyển hàng nông sản, hoa quả cần bảo quản đông lạnh xuất khẩu, bởi hiện đang phải sử dụng toa tàu đông lạnh của Trung Quốc.

Được biết, ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, có diện tích khoảng 56.000 m2, bao gồm khu trung tâm, quảng trường ga, phòng đợi, cung đường sắt, bãi hóa trường…

Trong ga có 10 đường sắt đều là khổ lồng (có thể chạy được tàu khổ 1.000mm và 1.435mm). Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội). Toàn tuyến có chiều dài khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực