Nhiều diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng bị ảnh hưởng do lũ
(Ảnh: K.V)
Dự báo, đến ngày 31/8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,2 m, trên báo động 2 là 0,2 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,7 m, trên báo động 2 là 0,2 m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2. Cảnh báo: Đến khoảng ngày 12 - 14/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (Tân Châu 4,5 m, Châu Đốc 4,0 m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 - báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.
Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo nhanh số 34 /BC-PCTT&TKCN ngày 27/8/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, vào lúc 5 giờ ngày 26/8/2018, đã xảy ra 01 vụ sạt lở thuộc bờ sông Tiền, ấp An Long, xã An Bình, huyện Long Hồ với chiều dài 200 m, rộng 15 m, sâu 10 m, làm ngập 2 ha vườn cây ăn trái. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát vị trí sạt lở để xác định mức độ thiệt hại, đồng thời có giải pháp xử lý để không gây thiệt hại tiếp theo.
Về tác động của lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đến sản xuất, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, diện tích lúa Hè Thu toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã thu hoạch đạt 958.306/1.601.500 ha (đạt gần 60%). Diện tích chưa thu hoạch 311.666 ha (thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và Kiên Giang). Hiện huyện Giang Thành (Kiên Giang) có 1.200 ha lúa đang củng cố đê bao, trong thời gian tới nếu lũ diễn ra như dự báo lên đến báo động 3 diện tích này sẽ bị thiệt hại.
Diện tích lúa Thu Đông đã xuống giống được 448.532/745.000 ha (đạt gần 60,2%). Hầu hết diện tích xuống giống theo kế hoạch nằm trong vùng đê bao triệt để, bảo đảm không ảnh hưởng nếu lũ chính vụ ở mức như dự báo, trừ khoảng 34.600 ha (Long An: 18.200 ha, An Giang: 13.000 ha, Đồng Tháp: 3.400 ha) có khả năng bị ảnh hưởng khi lũ vượt báo động 2. Riêng tỉnh An Giang hiện có 1.350 ha vùng ngoài đê bao phía Bắc kênh Vĩnh Tế (huyện Tri Tôn) bị ảnh hưởng do lũ, đã thiệt hại 630 ha lúa Thu Đông, nếu lũ diễn ra như dự báo các diện tích còn lại sẽ bị thiệt hại.
Để ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có Công điện số 45/CĐ-TW ngày 27/8/2018 gửi các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó với lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 27/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác chỉ đạo, ứng phó với lũ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản số 1187/TCTL-QLCT ngày 27/8/2018 về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp đối phó với lũ lên nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan cung cấp thông tin, bản tin dự báo về lũ Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với lũ.
Các tỉnh Kiên Giang, An Giang đã thống nhất kế hoạch mở đập Trà Sư – Tha La để vận hành kiểm soát lũ; đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ vùng tứ giác Long Xuyên. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang có thông báo về việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư và Tha La. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An có báo cáo tình hình mực nước lũ từ ngày 24 - 27/8/2018 và công tác chỉ đạo, ứng phó với lũ./.