Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão Noru

Thứ bảy, 24/09/2022 23:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Trước dự báo bão Noru sắp vào Biển Đông và sẽ hướng về đất liền các tỉnh miền Trung nước ta trong vài ngày tới, hiện các địa phương ven biển tại miền Trung đang có những chỉ đạo để ứng phó với cơn bão này.
Đến chiều 24/9, nhiều tàu thuyền đã về neo đâụ tránh bão tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng).
(ảnh: Đình Tăng). 

Tại TP Đà Nẵng: Từ sáng 24/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP cũng có Công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP và Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời đến các chủ tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu tránh trú bão Âu thuyền Thọ Quang; khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP đề nghị các quận, huyện sẵn sàng lực lượng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, tháo dỡ các công trình, sơ tán người dân bảo đảm an toàn theo các phương án đã được phê duyệt.

Tại Quảng Nam: Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng ban hành Công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão Noru.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng lực lượng phương tiện, chủ động hỗ trợ Nhân dân ứng phó với bão Noru mạnh lên thành bão số 4 và có khả năng đổ bộ vào địa phương này; chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo Nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu,... cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.

Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn. Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Dự báo bão số 4 sẽ là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, ngư dân không nên chủ quan (ảnh: Đình Tăng) 

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Cũng trong sáng 24/9, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này đã ban hành Công điện về việc chủ động ứng phó với bão gần bờ (bão Noru)

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, bão Noru là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thừa Thiên Huế, gây ra gió mạnh, sóng lớn kèm nước dâng do bão và mưa lớn, có nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng, ngập úng các khu đô thị.

Để chủ động ứng phó với cơn bão Noru, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Hue-S, Facebook, Website của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh). Không lơ là, chủ quan, trước mọi tình huống thiên tai.  

Tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được cập nhật theo các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia.

Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trước 7h ngày 26/9, tổ chức quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.

Các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ quan công sở, các công trình; rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối.

Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các chủ đập triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du; các nhà máy thuỷ điện tổ chức vận hành  đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay và hoàn thành các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru trong ngày 26/9; tổ chức trực ban nghiêm túc sẵn sàng ứng phó với bão Noru./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực