Là một trong cộng đồng 45 dân tộc anh em trên đất nước hình chữ S, đồng bào Chăm An Giang từ lâu đã hòa nhập cùng đồng bào Kinh trong văn hóa, sinh hoạt và vui xuân đón tết. Dẫu vẫn giữ riêng cho mình những nét truyền thống đặc biệt của người Chăm theo Hồi giáo Islam, thế nhưng hàng chục nghìn đồng bào Chăm ở An Giang nói chung, đồng bào Chăm Châu Phong (thị xã Tân Châu, An Giang) nói riêng, những ngày Tết nguyên đán cổ truyền của người Việt, bà con cùng hòa mình cùng với đồng bào cả nước, hưởng một mùa xuân mới với nhiều ước vọng mới.
Nụ cười cô gái dệt thổ cẩm Châu Phong, An Giang (Ảnh: Báo An Giang)
Ngày 9/2 (nhằm mùng 2 Tết), giữa cái se lạnh của tiết trời vào xuân, về làng chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang ta cảm nhận một không khí vui tươi rộn ràng. Đặc biệt trong những năm gần đây, đồng bào dân tộc Chăm tại xã Châu Phong đã chọn ngày cưới vào Tết cổ truyền của dân tộc càng làm không khí mùa cưới thêm rộn ràng, hòa huyện với sắc xuân ấm áp của đất trời.
Nhà cụ Mari Á, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang hôm nay tổ chức cưới chồng cho cháu gái. Lễ cưới của người Chăm diễn ra trong 3 ngày, ngày đầu tiên là ngày họp họ, ngày gia chủ tổ chức làm bánh và trang trí nhà cửa, bà con lối xóm, các cô gái, thanh niên tham gia phụ giúp, riêng việc trang trí phòng cô dâu chú rễ đòi hỏi tính thẩm mỹ, hoa văn cầu kỳ nên công việc này mất nhiều thời gian hơn.
Ngày thứ hai gọi là ngày lên ghế, cả hai gia đình làm lễ cầu nguyện, mời họ hàng bà con lối xóm dùng tiệc. Tối cùng ngày bên nhà gái tổ chức tiệc đãi bạn gái, các cô gái khi tham dự tiệc thường diện trang phục truyền thống với chiếc khăn katara, tạo nên nét độc đáo riêng mà không có nơi nào có được, đây là dịp để các cô gái gặp gỡ, giao lưu.
Ngày thứ ba là ngày đưa rể, nhà trai tổ chức đoàn tháp tùng chú rể đến nhà gái, đoàn tháp tùng này có khoảng vài chục có khi lên tới cả trăm người gồm thanh niên, phụ nữ. Sau khi hoàn thành các nghi lễ tại nhà gái, đoàn trở về nhà trai dùng tiệc thân mật, còn nhà gái đãi tiệc với lượng khách mời đã định.
Cùng với sự phát triển của xã hội, sự giao lưu của những nét đẹp truyền thống giữa các dân tộc, thanh niên nam nữ đồng bào dân tộc Chăm có cơ hội gặp gỡ tìm hiểu, quyết định đi đến hôn nhân. Trước khi tổ chức lễ cưới đồng bào dân tộc Chăm cũng tổ chức các nghi lễ như: dạm hỏi, buộc tay, cho đồ… Đám cưới của đồng bào dân tộc Chăm được gia chủ đến từng nhà để mời, thường mời cả làng đến tham dự.
Ông Sale, Trưởng Ban nhân dân ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) cho biết, dịp Tết Bính Thân năm nay theo thống kê trên địa bàn ấp có khoảng 15-16 đám cưới được tổ chức. Trung bình một đám cưới có 500 hoặc 600 khách mời, đám cưới đồng bào dân tộc Chăm luôn sôi động như ngày hội và họ chỉ đãi tiệc tại gia đình, không ra nhà hàng, khách sạn.
Đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi Giáo Islam không uống rượu. Vì thế, tiệc cưới cũng diễn ra khá gọn nhẹ với các món ăn truyền thống là đặc sản của đồng bào dân tộc chăm như: cà ri, koài, tung lò mò (lạp xưởng bò)…
Người Chăm sống rất đoàn kết, do đó mỗi đám cưới có thể huy động hàng trăm người tham gia phụ giúp, làm cho lễ cưới thêm sum tụ. Ông Sale, trưởng ban nhân dân ấp Phũm Soài xã Châu Phong cho biết thêm.
Khác với các dân tộc anh em, đồng bào dân tộc Chăm An Giang không tổ chức lễ cưới rải rác mà chỉ tổ chức lễ cưới trước và sau các dịp lễ, mà đồng bào dân tộc Chăm thường gọi là mùa cưới.
Mùa cưới được tính theo lịch Hồi Giáo, vào các dịp lễ như: Roya Ramadan, Roya Haji, Maulib. Tuy nhiên trong những năm gần đây đồng bào dân tộc Chăm thường tổ chức lễ cưới vào cuối năm, trong những ngày Tết cổ truyền của cả dân tộc Việt Nam. Dù lễ cưới được tổ chức vào mùa nào thì nghi lễ và hình thức luôn giống nhau. Đám cưới vào dịp tết cổ truyền dân tộc sẽ vui hơn vì bà con, lối xóm tham dự đông đủ hơn.
Theo ông Haji Sahot Hamid, thành viên Ban quản trị thánh đường MovsJid Nia’mah, ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang), hầu hết người dân ở địa phương, nhất là thanh thiếu niên hiện đi làm tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương. Do đó, các dịp như tháng ăn chay Ramadan hoặc tháng Haji khó tổ chức đám cưới. Chỉ có Tết nghỉ dài ngày nên đa số bà con tổ chức đám cưới trong dịp Tết. Thêm vào đó, Tết cũng là lúc bà con, họ hàng về thăm quê, nên tổ chức lễ cưới ngay dịp Tết thuận lợi cho bà con hơn.
Bà Mari Dâm, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, Tân Châu, An Giang, cho biết: Tết Bính Thân năm nay thời gian được nghỉ tết dài, nên đám cưới của đồng bào dân tộc Chăm tại xã Châu Phong cũng tăng lên khoảng 40 đến 50 đám.
Ngày đầu năm, qua phà Châu Giang, men theo tỉnh lộ 953, tuyến lộ nông thôn Châu Phong - Long An (thị xã Tân Châu, An Giang) trên khắp các xóm Chăm, đâu đâu cũng tràn ngập tiếng cười, rộn ràng, tiếng trống góp phần tăng thêm không khí ngày tết.
Tuy cuộc sống của bà con người chăm còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Chăm ở Châu Phong vẫn giữ được những bản sắc truyền thống, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của đất nước. Đáng mừng là cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, đồng bào Chăm tại xã Châu Phong vẫn duy trì và phát huy những nét đẹp văn hóa hòa huyện với truyền thống của đất Việt, đã làm tăng thêm giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống của đồng bào dân tộc Chăm nói chung và người Chăm An Giang nói riêng.
Những ngôi nhà được trang trí, treo đèn hoa rực rỡ, ban đêm thanh niên nam nữ tập trung ở nhà cô dâu chú rễ dự tiệc đãi bạn. Mỗi sáng, trên mọi nẻo đường, từng đoàn người từ nhà trai sang nhà gái làm lễ, đoàn vừa đi vừa vỗ tay, hát theo tiếng trống, rộn rã càng làm tăng thêm sắc màu mùa xuân trên các làng chăm xã Châu Phong.
Một mùa xuân-mùa cưới nữa lại về, bà con người Chăm ở An Giang lại vui một mùa xuân mới cùng với đồng bào cả nước, cùng chung một ước vọng xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp, để sắc xuân trên quê hương Châu Phong thêm chồi non, lộc biếc./.