Mưa lớn gây nhiều thiệt hại ở một số địa phương

Chủ nhật, 25/08/2024 11:06
(ĐCSVN) - Mưa lớn ở miền Bắc nhiều ngày qua, đã gia tăng thiệt hại do ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh: Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Hòa Bình, Điện Biên...

Cụ thể, tại tỉnh Thái Nguyên, một người mất tích do lũ cuốn trôi khi đi xe máy qua cầu tràn xã Tân Cương. Nạn nhân vẫn chưa xác định được danh tính. Mưa rất lớn đã làm nước sông Cầu, sông Công dâng cao, gây ngập úng 161,5 ha lúa, 6 ha nuôi cá; sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương; nhiều cột điện, cây xanh gãy đổ… Tổng thiệt hại ước tính trên 1,3 tỷ đồng.

Tại các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Thạch An, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), mưa lớn gây sạt lở đất làm một ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 53 ngôi nhà bị ảnh hưởng; 407 ngôi nhà bị ngập sâu; 69 tuyến giao thông bị sạt lở đất đá ta luy dương, gây ách tắc giao thông… Các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển tài sản từ vùng úng ngập, có nguy cơ cao sạt lở đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo, cử người canh gác, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại những vị trí bị sạt lở…

Đất, đá sạt xuống quốc lộ 12, gây ách tắc giao thông. (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ) 

Do ảnh hưởng của mưa lớn, trên Quốc lộ 6 đoạn qua dốc Cun (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình) đã gây ra sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuống mặt đường, lũ chảy xiết khiến giao thông bị tê liệt. Cơ quan chức năng đã huy động lực lượng khắc phục sạt lở và thông tuyến xe từ lúc 19h ngày 24/8.

Được biết, tại vị trí sạt lở hiện đang thực hiện Dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun (Km78+500 - Km85+100) trên Quốc lộ 6 với tổng mức đầu tư gần 130 tỉ đồng. Đây là dự án do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Tại thành phố Hà Nội, mưa lớn trong thời gian ngắn đã gây úng ngập một số tuyến phố thuộc khu vực nội thành tối 24/8. Khu vực ngoại thành chưa ghi nhận điểm úng ngập, thiệt hại. Tuy nhiên, lũ trên các sông: Tích, Bùi, Cầu, Cà Lồ đang lên. Dự báo, mực nước sông Cầu, đoạn huyện Sóc Sơn lúc 7h sáng 25-8 có thể đạt 7,5m (trên báo động lũ cấp II là 0,50m); 13h cùng ngày có thể đạt 7,55m (trên báo động lũ cấp II là 0,55m)…

Thông tin từ Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên cũng cho biết: Sáng 25/8, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có mưa lớn đã khiến một số điểm trên quốc lộ 12 bị sạt lở, đất, đá từ ta luy dương tràn xuống lòng đường, gây cản trở giao thông. Đoạn từ Km160+350 qua bản Huổi Chan, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) đến địa phận bản Púng Giắt, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) kéo dài khoảng 10km, đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, đá. Hiện tại, nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 12, đất đá vẫn đang rơi khiến cho máy móc chưa thể tiếp cận hiện trường để tiến hành hót, san gạt đất, đá thông tuyến.

Sau khi xảy ra sạt lở, Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên đã tập trung nhân lực, máy móc thiết bị và huy động lực lượng tại chỗ căng dây, cắm biển cảnh báo, trực chốt đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại trên tuyến. Khi đảm bảo an toàn, đất, đá không tiếp tục rơi xuống, đơn vị sẽ huy động lực lượng khẩn trương hót dọn, san gạt các vị trí sụt, sạt… đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc bộ khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư; cử lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.../.

HN (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực